Mối quan hệ giữa trí nhớ và giấc ngủ đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ đầu thế kỷ 19.
Cho đến nay, hàng trăm nghiên cứu đều đưa ra kết quả đồng nhất rằng giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình củng cố trí nhớ - một quá trình mà não bộ phân loại các trải nghiệm trong ngày và lựa chọn những sự kiện nhất định để lưu trữ trong trí nhớ dài hạn.
Tiến sỹ Matthew Walker, một nhà khoa học nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cho biết giấc ngủ và trí nhớ chia sẻ một mối quan hệ phức tạp. Nghỉ ngơi đầy đủ giúp đầu óc minh mẫn, từ đó hỗ trợ bạn xử lý nhanh chóng các thông tin được tiếp xúc. Và giấc ngủ sau khi học sẽ giúp củng cố các thông tin thành trí nhớ, cho phép bạn lưu trữ chúng trong não bộ.
Một giấc ngủ đối với người trưởng thành khỏe mạnh sẽ có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2 được gọi là giấc ngủ NREM nhẹ, giai đoạn 3 là giấc ngủ NREM sâu. Giai đoạn 4 là giấc ngủ REM – giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh và xuất hiện giấc mơ.
Trong đó, 3 giai đoạn NREM sẽ giúp cho não bộ được phục hồi sau một ngày làm việc dài và chuẩn bị cho não học thông tin mới vào ngày hôm sau. Việc bạn mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc sẽ khiến khả năng học những điều mới của bạn có thể giảm tới 40%.
Tiến sỹ Walker khẳng định bạn không thể thức trắng đêm mà vẫn học tập hiệu quả. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến một phần của não gọi là hồi hải mã, đây là phần quan trọng để tạo ra những ký ức mới.
Đăng thảo luận