Theo giới nghiên cứu, biến thể mới của virus gây bệnh đậu mùa khỉ (mpox) được gọi là clade 1b lây lan ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng đang biến đổi nhanh hơn dự đoán và thường xảy ra ở những khu vực thiếu nguồn lực để thực hiện các biện pháp giám sát và phòng ngừa dịch bệnh.
Các nhà khoa học từ Mỹ, châu Âu và châu Phi cho rằng việc biến đổi như vậy cũng có nghĩa là sự biến đổi của virus, mức độ nghiêm trọng và cách thức virus lan truyền vẫn là “ẩn số,” do đó làm cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở một số quốc gia châu Phi kể từ năm 1970. Tuy nhiên, hàng chục năm sau đó bệnh này chưa được cộng đồng khoa học và y tế công cộng lưu tâm cho đến khi bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên phạm vi toàn cầu, buộc WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. Đây là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh.
Sau đó, đến ngày 14/8 vừa qua, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh mpox bùng phát ở các nước châu Phi với sự xuất hiện của biến thể clade 1b vốn gây quan ngại toàn cầu vì có khả năng lây lan nhanh chóng và có nguy cơ gây tử vong cao hơn.
Clade 1b là biến thể của chủng đặc hữu clade 1 gây bệnh đậu mùa khỉ. Chủng clade 1 lây nhiễm qua tiếp xúc với động vật mắc bệnh và chủng này đã gây ra các đợt bùng phát dịch trong phạm vi CHDC Congo trong hàng chục năm qua.
Bệnh thường gây ra các triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng đối với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ em, thai phụ và những người có hệ miễn dịch suy yếu, như những người có HIV.
Theo WHO, từ đầu năm đến nay, Cộng hòa Dân chủ Congo đã ghi nhận hơn 18.000 ca nghi mắc chủng đặc hữu clade 1 và biến thể clade 1b của chủng này cùng với 615 trường hợp tử vong.
Đăng thảo luận