Sáng 19-9, Báo Người Lao Động sẽ tổ chức lễ trao giải cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 5 song song với việc tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TP HCM"
Từ ngày 2-9-2023 đến ngày 15-8-2024, Báo Người Lao Động tổ chức cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 5 tập trung vào 3 chủ đề chính: "Làm gì để Cần Giờ trở thành một động lực mới phát triển TP HCM", "Giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP HCM" và "TP HCM cần làm gì để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98?". Báo Người Lao Động đã nhận hơn 80 tác phẩm đầy tâm huyết của các tác giả gửi đến dự thi.
Nhiều ý tưởng phát triển Cần Giờ
Là chuyên gia về AI, hiến kế cho sự phát triển của Cần Giờ nói riêng và TP HCM nói chung, trong tác phẩm "Quy hoạch đô thị trí tuệ nhân tạo", nhóm tác giả Lê Dương Lâm và cộng sự nhấn mạnh trong kỷ nguyên số hiện nay, cái nhìn về quy hoạch đô thị đã khác khi nhiều thành phố tiên tiến trên thế giới ứng dụng tích hợp những công nghệ mới nổi và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quy hoạch đô thị hiện đại. Giải pháp tối ưu cho quy hoạch đô thị chính là dựa trên 1 nền tảng và 4 trụ cột cốt lõi (Tối ưu hóa quy hoạch sử dụng đất; Giao thông AI và các trung tâm kết nối; Quy hoạch có thể tích hợp đa ngành; Quy hoạch "đa đô thị 15' Plus").
Cấu trúc 1 nền tảng và 4 trụ cột nhằm nâng tầm quy hoạch trong thời đại số, nhanh chóng đưa Cần Giờ trở thành "đô thị trí tuệ nhân tạo", khai thác chính nguồn lực tự nhiên sẵn có. Việc tận dụng khả năng phân tích dữ liệu và AI tạo ra các kế hoạch phát triển Cần Giờ hiệu quả, đi sâu vào mục tiêu quản lý tài nguyên, xây dựng các mô hình kinh doanh mới, dựa trên tích hợp dữ liệu đa ngành và các giải pháp tối ưu cho từng ngành.
Trong tác phẩm "Để Cần Giờ là điểm đến hấp dẫn", TS Vũ Trung Kiên cho rằng muốn phát triển bền vững, lâu dài, ngoài việc quy hoạch, xây dựng, quản lý bài bản, chặt chẽ thì việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, thái độ phục vụ của người dân trên địa bàn là vô cùng quan trọng.
Trong khi đó, tác giả Hải Đăng với tác phẩm "Tận dụng lợi thế biển để phát triển Cần Giờ" hiến kế nhất quán hướng phát triển ra biển, tập trung kết nối vùng và phát triển đa ngành để tối ưu nguồn lực là những giải pháp - mô hình mới giúp TP HCM trở thành trung tâm tài chính, dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới. Điều TP HCM cần nhất trong hành động là phải giữ vững chiến lược "thuận thiên" từ biển để phát triển Cần Giờ.
Có lộ trình, phương pháp thu hút NĐT chiến lược
Với TS Nguyễn Hoàng Bình - TS Bùi Duy Tùng, thu hút nhà đầu tư (NĐT) chiến lược được xem là một trong những mục tiêu quan trọng để xây dựng và phát triển TP HCM. Vì vậy, cần có lộ trình phù hợp, mô hình bài bản, kỹ lưỡng. Chính phủ cần thiết kế các chương trình cải cách để khuyến khích doanh nghiệp (DN) chuyển đổi đầu tư, đổi mới và tạo ra công việc chất lượng cho người dân. Dựa vào phương pháp Business Ready (B-Ready), TP HCM có thể định hình một chiến lược đa chiều để thu hút NĐT chiến lược, tập trung vào 3 trụ cột: khung pháp lý, dịch vụ công và tính hiệu quả. Thực hiện tốt 3 trụ cột nói trên sẽ giúp TP HCM cải thiện đáng kể và toàn diện môi trường kinh doanh, từ đó thu hút DN và NĐT (tác phẩm "Nâng cấp môi trường kinh doanh theo mô hình mới").
Ban Tổ chức cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 4 tặng hoa cảm ơn đơn vị đồng hành. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong tác phẩm "Thu hút NĐT chiến lược", tác giả Trần Văn Trãi nhận định cạnh tranh thu hút các NĐT chiến lược ngày càng thách thức, không chỉ giữa các đô thị lớn mà còn là phạm vi toàn cầu. Ngoài giải quyết các tồn tại cũ, TP HCM cần kiến tạo lợi thế mới như chuẩn bị hạ tầng "cứng" cho phát triển (kết nối giao thông, tăng hiệu quả sử dụng đất…); tăng ưu đãi với cơ chế mềm (hành lang pháp lý, thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách phù hợp…).
Kiến trúc sư Trương Nam Thuận đề xuất thành lập một công ty dịch vụ công về lĩnh vực đầu tư thay vì để cho NĐT tự xử lý các thủ tục, quy định còn nhiều rắc rối. Công ty DVC này sẽ đứng ra chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình làm việc, phối hợp các bộ, sở, ngành để bảo đảm thủ tục pháp lý đúng thời hạn theo yêu cầu của NĐT. Thành viên và lãnh đạo của Công ty DVC là các chuyên viên của bộ, sở, ngành liên quan đến quá trình thẩm định, cấp phép đầu tư. Việc có một công ty DVC chịu trách nhiệm cao nhất trước NĐT, được lãnh đạo TP HCM cam kết sẽ tạo ra sự tin tưởng và bảo đảm cho NĐT; giúp tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, giảm thiểu rủi ro pháp lý… (tác phẩm "Thu hút đầu tư bằng công ty dịch vụ công").
Trong khi đó, trong tác phẩm "Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư", tác giả Nguyễn Cao Siêng thẳng thắn chỉ ra thời gian qua, TP HCM đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do NĐT đề xuất. Vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ là chìa khóa để thành phố thu hút các NĐT chiến lược trong thời gian tới.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện các chính sách đã phát huy hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi về thủ tục hành chính, minh bạch và phòng ngừa rủi ro tham nhũng. Triển khai có hiệu quả việc kết nối, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Nghiên cứu đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng hình thức, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; tổ chức các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và đầu tư để chủ động tiếp cận các NĐT chiến lược đầu tư vào địa bàn thành phố.
Khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số
Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS), tác giả Trần Nguyễn Phước Thông cho rằng CĐS không chỉ mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế mà còn tạo ra những cơ hội mới cho các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, để biến những cơ hội này thành hiện thực, TP HCM cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và DN... Về phía DN cũng phải thay đổi tư duy và nhận thức, đặc biệt là phát triển trong khu vực đô thị bậc cao như ở TP HCM. Cần suy nghĩ khác biệt để phát triển chiến lược kinh doanh công nghệ số hiệu quả, tạo ra những trải nghiệm ban đầu và tích hợp những kinh nghiệm này vào quy trình phát triển kinh doanh chiến lược…
Góp giải pháp cho chống ngập, y tế
Theo tác giả Nguyễn Văn Quang trong tác phẩm "Tối ưu hóa các giải pháp chống ngập", hầu hết hệ thống thoát nước của TP HCM là hệ thống kết hợp giữa thoát nước thải và nước mưa nên dễ bị quá tải, đặc biệt khi có mưa lớn. Trong bối cảnh đó, một hệ thống quản lý ngập tích hợp liên ngành sẽ là cách tiếp cận bền vững. Các giải pháp không nên chỉ dựa vào cách tiếp cận cơ sở hạ tầng và thoát nước thông thường mà còn dựa trên một loạt dịch vụ. Cụ thể, cải tạo nhiều không gian hơn để trữ lũ. Nước lũ sẽ được giữ lại hoặc chuyển hướng và từ từ xả ra sông, kênh sau khi lũ lụt kết thúc. Trả lại trạng thái tự nhiên cho các sông, kênh, rạch để giảm xói lở bờ sông và khôi phục các hệ sinh thái dọc sông. Nâng cấp, cải tạo mạng lưới thoát nước chính, xây dựng hệ thống đường ống thoát nước đồng bộ với hệ thống kênh tiêu thoát nước. Đầu tư xây dựng tách biệt hệ thống thoát nước mưa và nước thải…
Để "Đột phá trong khâu khám, chữa bệnh", BS Vân Thanh nêu ý kiến TP HCM cần có biện pháp giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải bệnh viện (BV); xây dựng phương án khám bệnh khoa học, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm áp lực cho nhân viên y tế cũng như giảm gánh nặng chi phí, thời gian cho người bệnh, bên cạnh đó là đa dạng hóa loại hình BHYT. Tác giả gợi ý mô hình khám bệnh từ xa thực hiện tại trạm y tế cho hệ thống BV công. Còn với các BV tư nhân, cần liên kết với một BV tư nhân ở tỉnh để thực hiện. Bên cạnh đó, nên triển khai ngay hệ thống bác sĩ gia đình với đối tượng phục vụ trước hết là người già, người khuyết tật, bệnh lý mãn tính, truyền nhiễm. Cần có thêm nhiều phân khúc, loại hình BHYT khác nhau, khuyến khích các DN hỗ trợ mua BHYT chất lượng cao hơn cho nhân viên của mình, tiến tới mở rộng việc khám BHYT khắp các BV công, tư, phòng khám, phòng mạch.
Đăng thảo luận