(NLĐO) - Việt Nam cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Năm 2023, Việt Nam đã nhận được toàn bộ khoản thanh toán trị giá hơn 51 triệu USD, tương đương 1.200 tỉ đồng từ việc bán hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng.

Đó là tiền đề đầu tiên theo Thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ mà Việt Nam ký với Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải này.

Đây là bước ngoặt được đánh dấu một bước tiếp theo để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Sau Bắc Trung Bộ, Việt Nam đang chuyển nhượng tiếp hơn 5,1 triệu tín chỉ carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026, với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ.

 Khẩn trương đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon 第1张

Việt Nam trồng rừng phòng hộ chống biến đổi khí hậu tại Vườn Quốc gia Cúc Phương

Tại tọa đàm "Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon" do Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định nguồn nhân lực cho tín chỉ carbon rất khiêm tốn.

Theo Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP HCM Cao Tung Sơn, để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TP HCM cần chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh; chính sách và pháp luật… Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược.

TS. Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho biết giảm phát thải khí nhà kính có nhiều cách và cơ chế. Bên cạnh đó, mỗi loại cây, mỗi ngành, lĩnh vực hay thị trường tín chỉ carbon sẽ có những điểm khác biệt nhất định. Do vậy, cần có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải...

TS Đông cũng cho biết thời gian qua, trường đã liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn.