Mặc dù nguồn cung bị ảnh hưởng, tuyến vận chuyển bị chia cắt nhưng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, siêu thị… cam kết cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng bị lũ lụt

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tính đến trưa 11-9, tại Hà Nội, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được bảo đảm để phục vụ người dân. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường do phương tiện vận chuyển được điều chuyển đến các tỉnh ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ.

Giá rau xanh, thịt tăng 10%-15%

Bộ Công Thương khẳng định các mặt hàng rau, củ, quả có tăng giá do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tại Quảng Ninh, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, trừ một số mặt hàng như rau xanh, thịt có mức tăng nhẹ từ 10%-15% so với thời điểm trước bão. Còn tại Hải Phòng, các chợ cung ứng lương thực, thực phẩm, rau củ quả dồi dào, nhu cầu mua sắm không có biến động nhiều (tăng 5%-10% so với ngày thường). Ở các siêu thị, nguồn cung hàng hóa tăng 80%-100% (chủ yếu đối với các mặt hàng thiết yếu). 

Do tâm lý lo ngại mưa lũ, sạt lở tại các tỉnh phía Bắc kéo dài, ngay từ chiều 10-9, khách hàng vào mua sắm tại các siêu thị tăng đột biến (tăng trên 150%-170% so với ngày thường), người dân xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau xanh, các loại đồ ăn sẵn, bánh mì, lương khô, sữa, nước. Giá cả hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định, không có tăng giá các mặt hàng, lượng hàng bán ra tăng mạnh từ 50%-80% so với ngày thường.

Tại Bắc Giang, ở một số địa bàn bị ngập lụt, chính quyền và các nhà hảo tâm vẫn cung ứng lương thực hằng ngày. Tại Thái Nguyên, đối với các khu vực bị ngập lụt, tỉnh vẫn triển khai công tác tiếp tế thực phẩm. Ngoài các khu vực bị ngập lụt, việc lưu thông, cung ứng hàng hóa vẫn tiếp diễn đầy đủ. Tại Yên Bái, hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu, giá tăng chủ yếu là rau xanh 15%-20%. Tuy nhiên, do ngập sâu cục bộ tại TP Yên Bái nên công tác chuyển hàng hóa đi các huyện gặp khó khăn…

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cho biết ngay trước bão số 3, đơn vị đã chuẩn bị các phương án cung ứng gạo, thịt heo, thực phẩm… tới Hà Nội và các địa phương phía Bắc. Doanh nghiệp dự trữ hàng tăng gấp 2 lần. 

"Gạo được vận chuyển bằng tàu biển từ đồng bằng sông Cửu Long ra miền Bắc liên tục. Trong khi đó, nhà máy chế biến thịt heo ở Hà Nội dù gặp phải mưa bão, ngập lụt, song chúng tôi bằng mọi cách vẫn cố gắng vận hành để bảo đảm cung ứng ra thị trường" - ông Bá nói.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, sức tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và miền Bắc tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cam kết không tăng giá, đồng thời triển khai chương trình khuyến mãi để hỗ trợ người dân vùng lũ.

 Khẩn trương đưa hàng thiết yếu đến vùng lũ 第1张

Nguồn cung, giá cả rau xanh, thực phẩm thiết yếu được bảo đảm tại các siêu thị ở Hà Nội Ảnh: LÊ THÚY

Chuyển hàng từ Nam ra Bắc

Liên tục từ cuối tuần qua đến nay, chuỗi cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Wincommerce… đã tập trung nguồn lực để tiếp ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Ngay từ cuối tuần trước, những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc do các doanh nghiệp phân phối lớn ở TP HCM triển khai đã lên đường, mang theo lượng lớn rau củ, thịt, thực phẩm khô, giấy vệ sinh, sản phẩm vệ sinh… ra Bắc.