Giữa thế giới những câu chuyện kỳ thú của văn hóa dân gian Nam Bộ thời Nam tiến - mở đất, nổi lên rực rỡ là tên tuổi và các sự tích về bà Châu Thị Tế

Bà Châu Thị Tế có họ Châu trùng với tên vùng địa linh Châu Đốc; đặc biệt là có tên Tế, gắn liền với dòng kênh huyết mạch và huyền thoại nối Châu Đốc - Hà Tiên, đồng thời là thủy giới biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc: Kênh Vĩnh Tế.

Nổi tiếng tảo tần, hiền thảo

Dòng Cổ Chiên mênh mang chảy giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre mà dồn sóng sông Tiền ra biển Đông, đến chỗ nhận thêm nước của nhánh sông Mang Thít chảy giữa 2 huyện Vũng Liêm, Mang Thít của tỉnh Vĩnh Long thì nổi lên giữa dòng một cù lao như hình con thoi. Cù lao này có tên gọi theo hình dạng là cù lao Dài hoặc gọi theo số lượng thôn làng xưa đã được lập trên dải đất nổi giữa dòng là cù lao Năm Thôn.

Quới Thiện là tên ngôi làng nằm ở đầu mạn Bắc của cù lao Dài - Năm Thôn. Thời Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được phái vào mở đất Nam Bộ, gia đình ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán cùng tìm đến Quới Thiện định cư, sinh sống. Đến năm 1766, họ sinh hạ con gái đầu lòng, đặt tên là Châu Thị Vĩnh Tế.

Trưởng nữ của gia đình họ Châu sinh ra và lớn lên vào thời đất mới được mở, công việc bộn bề tứ phía. Nhờ "đảm đang vốn sẵn tính trời", vừa xinh đẹp, nết na vừa giỏi chuyện làm ăn nên cô sớm nổi tiếng khắp vùng là người tảo tần, hiền thảo.

 NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐẤT: Châu Thị Tế: Người để lại tên cho dòng kênh 第1张

Kênh Vĩnh Tế là tuyến giao thông đường thủy quan trọng ở An Giang ngày nay (Ảnh: NGỌC TRINH)

Công đức của bà Vĩnh Tế lớn lao như vậy nên lúc bấy giờ, trong dân gian đã có ngay câu ca ngợi: “Nước Nam trai sắc gái tài/ Gương bà Châu Thị lưu đời ngàn năm”.

Bấy giờ, chàng trai Nguyễn Văn Thoại - hơn cô Vĩnh Tế 5 tuổi, người gốc ngoài dinh Quảng Nam - cha mất sớm, gặp thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Tây Sơn khởi dấy nên theo mẹ đưa 2 em chạy loạn vào Nam. Họ tìm đến cù lao Dài - Năm Thôn định cư, sinh sống.

Biết nhau từ đó nhưng vì Nguyễn Văn Thoại lập chí theo phò chúa Nguyễn Ánh ngay từ lúc mới 16 tuổi, chinh chiến, lưu lạc khắp nơi nên mãi đến năm 1788, khi chàng đã 27 tuổi và cô Vĩnh Tế 22 tuổi thì họ mới nên vợ nên chồng. Tuy nhiên, đấy cũng là thời mà Nguyễn Văn Thoại vẫn phải gian truân tháp tùng và tòng chinh cùng chúa Nguyễn Ánh.

Ngay cả đến lúc chúa Nguyễn nghiệp lớn đã thành, lên ngôi hoàng đế Gia Long vào năm 1802, rồi 15 năm sau đó nữa, Nguyễn Văn Thoại vẫn phải nhận mệnh vua đi làm quan "trấn thủ" hết Lạng Sơn ngoài Bắc lại tới Định Tường trong Nam, sang cả Cao Miên làm quan "bảo hộ". Vì thế, đôi vợ chồng dù đã nên duyên nhưng cũng chẳng mấy lúc được chung sống cùng nhau. Cô Vĩnh Tế, bấy giờ đã thành phu nhân của quan lớn, chỉ có thể thay chồng "gánh vác giang sơn nhà chồng", cùng với việc nhà bên ngoại của mình, cũng như cả ở quê hương cù lao Dài - Năm Thôn của họ Châu và họ Nguyễn.

Chỉ từ năm 1817, khi Nguyễn Văn Thoại - lúc này đã được ban tước Thoại Ngọc Hầu - nhận lệnh vua Gia Long làm quan Trấn thủ Vĩnh Thanh - gồm một miền đất lớn: Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên và một phần Kiên Giang ngày nay - thì ông bà mới có thời gian dài gắn bó cùng nhau ở nhiệm sở Châu Đốc. Lúc ấy, họ đã cùng ở vào độ tuổi 50 - "ngũ thập tri thiên mệnh", cũng là thời gian mà sự nghiệp kinh bang tế thế của ông và công cuộc giúp chồng, giúp dân của bà - đào kênh Vĩnh Tế - thăng hoa tới đỉnh cao.

Xuất hiện như một cứu tinh

Một năm sau khi nhận chức Trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại đã nổi tiếng cùng việc đào con kênh dài hơn 30 cây số nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với nguồn Giá Khê (Rạch Giá). Đến nỗi, lần đầu tiên trong lịch sử, vua Gia Long đã phải ban lệnh: Lấy ngay chữ Thoại để đặt tên cho dòng kênh mới đào là "Thoại Hà" và ngọn núi Sập ở đầu kênh là "Thoại Sơn". Song, so với kênh Vĩnh Tế, cũng do Nguyễn Văn Thoại chủ trì việc đào sau đó, thì Thoại Hà còn phải ngả mũ kính chào!

Sách "Gia Định thành thông chí" có đoạn văn gốc nói đầy đủ về việc đào dòng kênh này. Cụ thể: "Kênh Vĩnh Tế khởi đầu từ phía Tây đồn Châu Đốc. Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào phía sau đồn Châu Đốc lên phía Tây, qua bưng bùn Ca Âm đến Kỳ Thi, tục gọi là Cây Kè, dài 44.412 tầm, thành ra 205 dặm rưỡi, mỗi dặm bằng 1.700 thước ta... Ngày 15 tháng chạp khởi công... Cân nhắc chỗ đào khó dễ, nhân lực nặng nhẹ, bắt đầu từ miệng hào đến láng bùn đất khô cứng, có 7.575 tầm là phần việc của người Việt, còn đất bùn nhão có 18.704 tầm là phần việc của dân Cao Miên. Đào bề ngang 15 tầm, sâu 6 thước ta...".

Từ đoạn văn cổ đã dẫn ở trên, những tính toán và số liệu hiện đại cho biết thêm về kênh Vĩnh Tế như sau: Tổng chiều dài 87 km, rộng 30 m, sâu 2,55 m. Số dân binh huy động: hơn 90.000 người; tổng số ngày công: 3.463.500; khối lượng đất đào: 2.845.035 m3. Những giai đoạn cụ thể của việc đào kênh cũng được tính toán trong thời gian 5 năm (1819-1824), chia thành các đợt như sau:

Đợt 1: Khởi công vào tháng 12 âm lịch năm 1819, đào đến tháng 3 âm lịch năm 1820 thì tạm dừng (do vua Gia Long mất, vua Minh Mạng mới lên ngôi; do loạn Sãi Kế và dịch bệnh hoành hành). Huy động nhân lực đào kênh đợt này: 5.000 dân phu người Việt, 5.000 dân phu Cao Miên và 500 binh đồn Uy Viễn (Trà Ôn).

Đợt 2: Tiếp tục đào từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch năm 1823. Nhân lực huy động: 39.000 dân và quân người Việt (lấy ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường), 16.000 quân và dân Cao Miên - tổng cộng hơn 55.000 người, chia làm 3 phiên hoạt động.

Đợt 3: Đào từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch năm 1824. Số lượng quân và dân, cả Việt lẫn Cao Miên, được huy động đào kênh đợt cuối này là 25.000 người.

Ba đợt đào kênh như thế phải vượt qua muôn vàn gian khó. Đất thì mênh mông, hoang vắng, bùn lầy và mưa nắng vất vả cực kỳ, thêm cả nạn thú dữ tấn công và dịch bệnh hoành hành; kỹ thuật đào kênh thì thô sơ làm tai nạn lao động - đập nhầm vồ vào đầu nhau, lưỡi xẻng cắt nhầm vào chân tay nhau… - xảy ra như cơm bữa. Việc tiếp tế lương thực, nấu nướng nuôi quân cũng đầy trở ngại.

Bà Vĩnh Tế đã xuất hiện như một cứu tinh trong hoàn cảnh này. Sát cánh bên nhau chỉ huy việc đào kênh và khi chồng phải tạm rời đại công trường đi xa thực hiện công vụ, bà chính là người thay ông quán xuyến tất cả mọi việc. Vốn là người tần tảo, thảo hiền nên hầu như toàn bộ việc nuôi dưỡng và cứu chữa dân phu đều do bà gánh vác. Cả đến việc thờ cúng tâm linh, cầu siêu thoát cho những người tử nạn, xin thần Phật phù hộ độ trì cho sự hanh thông công việc cũng do bà đảm trách.

Công đức của bà Vĩnh Tế lớn lao như vậy nên bấy giờ, trong dân gian đã có ngay câu ca ngợi: "Nước Nam trai sắc gái tài/ Gương bà Châu Thị lưu đời ngàn năm".

Đến khi con kênh hoàn thành, vua Minh Mạng nghiêm khắc là thế nhưng vẫn phải vừa mừng vừa cảm kích, ra lệnh: Lấy chữ Vĩnh Tế của phu nhân người chỉ huy đào kênh mà đặt tên cho công trình, cả ngọn núi Sam ở đầu kênh nữa!

Dư luận hậu thế

Bà Vĩnh Tế mất năm 1826 - 3 năm trước ngày về cõi vĩnh hằng của chồng. Mộ của bà được ông dọn chỗ sẵn, ở bên cạnh mộ chồng trong khu Sơn Lăng dưới chân núi Sam, quanh năm thơm ngát khói hương của những người sùng mộ.

Thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu đã tìm tòi, khai thác các sử liệu chính thống và nêu một vài nghi vấn về vấn đề người phụ nữ để lại tên cho dòng kênh Vĩnh Tế. Chẳng hạn, bia mộ của bà ghi tên là Châu Thị Tế, không có chữ Vĩnh; tên kênh Vĩnh Tế đã có từ thời Gia Long, không phải do vua Minh Mạng đặt...

Đó là việc còn phải bàn bạc của sử học. Còn với văn hóa dân gian Nam Bộ thì Vĩnh Tế, kỳ công và kỳ quan, vẫn chính là con kênh chiến lược về mọi phương diện: kinh tế, quốc phòng, xã hội... mang tên Tế của người phụ nữ khả kính và công huân họ Châu ở Châu Đốc - Vĩnh Long.