Thời gian hỗ trợ học nghề ngắn, chi phí thấp nên người lao động thất nghiệp không thể theo học những ngành nghề có trình độ cao

Mới đây, khi làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, dù đã được các cán bộ nơi đây thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề (ĐTN) nhưng chị Lê Thị Nơ (40 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn lưỡng lự. Nguyên nhân là do vấn đề tài chính.

Nhiều bất cập

Chị Nơ cho hay sau 15 năm làm công nhân may, lương của chị đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vừa qua, do công ty gặp khó về đơn hàng nên chị mất việc. Khó tìm việc làm mới do lớn tuổi, nên chị quyết định làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) với mức 6 triệu đồng/tháng.

Với chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở TP HCM, khoản trợ cấp này không đủ để chị trang trải các khoản thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, nuôi con... Để có thêm thu nhập, chị Nơ phải làm thêm các công việc thời vụ. "Tôi biết việc học nghề có thể giúp cải thiện trình độ, cơ hội chuyển đổi nghề nhưng nếu tham gia phải có đầu tư thời gian, không thể đi làm kiếm thêm thu nhập. Chưa kể còn phát sinh chi phí đi lại, ăn uống. Điều này nằm ngoài khả năng với người đang thất nghiệp như tôi" - chị Nơ giãi bày.

 Người thất nghiệp chưa mặn học nghề 第1张

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tư vấn học nghề cho lao động thất nghiệp. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Sau thời gian làm bảo vệ cho một doanh nghiệp (DN) ở quận 8, TP HCM, anh Phạm Nguyễn Minh Quân (28 tuổi) quyết định nghỉ việc tìm hướng đi mới. Biết được có chính sách hỗ trợ học nghề trong thời gian hưởng TCTN, anh Quân định học lái ô tô nhưng mức hỗ trợ quá thấp (chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng), trong khi học phí hơn 20 triệu đồng nên anh từ bỏ ý định. Còn các nghề khác có chi phí thấp hơn như: nấu ăn, làm bánh, cắt may thời trang... lại không phù hợp.

Còn chị Dương Ngọc Thanh Thanh (30 tuổi; ngụ quận 10, TP HCM) dự định sẽ đăng ký học trang điểm 4 tháng nhưng vấn đề học phí khiến chị lo lắng. Bởi hiện chị không có thu nhập nào ngoài khoản TCTN 3,5 triệu đồng/tháng. 

"Tôi mong chính sách hỗ trợ ĐTN được cải thiện để người lao động (NLĐ) thất nghiệp không phải băn khoăn, lo lắng với việc lựa chọn giữa học nghề hay tìm kiếm công việc tạm bợ để mưu sinh. Chính sách hỗ trợ ĐTN phải thật sự trở thành "cần câu" giúp NLĐ cải thiện việc làm, thu nhập" - chị Thanh mong mỏi.

Nâng mức hỗ trợ

Có một thực tế không thể phủ nhận là không ít NLĐ thất nghiệp chỉ muốn hưởng TCTN, thay vì học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Một bộ phận lao động khác chấp nhận chạy xe ôm công nghệ, giao hàng... để có thêm thu nhập nên "từ chối" giới thiệu việc mới hay tư vấn học nghề.

Nguyên nhân nữa là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tham gia ĐTN cho người thất nghiệp còn ít, nên chưa tạo thuận lợi cho NLĐ có nhu cầu học nghề. "Việc quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề khó khăn, dẫn đến các trường nghề chưa mặn mà với công tác ĐTN cho người thất nghiệp. Ngoài ra, chính sách chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa hỗ trợ các khoản khác nên chưa thu hút sự quan tâm của NLĐ" - một cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội XH TP HCM nêu thực tế.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, lý do NLĐ đang hưởng TCTN không mặn mà học nghề là vì mức hỗ trợ hiện còn thấp và thời gian hỗ trợ ngắn. Họ không thể học những ngành nghề có trình độ trung cấp trở lên hay những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn.

Để công tác ĐTN cho NLĐ thất nghiệp phát huy hiệu quả, các chuyên gia lao động việc làm cho rằng cần bảo đảm mức sống của họ bằng cách nâng mức hưởng TCTN lên bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp; tăng mức hỗ trợ và kéo dài thời gian học nghề cho NLĐ thất nghiệp. 

Bên cạnh đó, khi sửa đổi Luật Việc làm cần bổ sung quy định NLĐ tham gia học nghề được hỗ trợ các chi phí khác (đi lại, sinh hoạt phí...) trong thời gian học nghề; có chế độ ưu đãi đối với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tham gia ĐTN cho người tham gia BHTN…