Mâu thuẫn trong hôn nhân là điều khó tránh khỏi. Cách cha mẹ xử lý những mâu thuẫn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý và lối sống của con cái
Chị H.T.D.T (35 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) và anh T.T.H (40 tuổi) cưới nhau sau 5 năm tìm hiểu. Từ sau khi sinh con thứ hai, họ thường xuyên cãi nhau về vấn đề tài chính.
Tổn thương tâm lý
Những lần cãi vã thường diễn ra trước mặt các con. Ban đầu, bé X.M (7 tuổi) ngồi nép mình ở góc giường sợ hãi quan sát. Dần dần, cô bé không còn hoạt bát như trước. Trong lớp học, cô giáo nhận thấy M. trở nên thụ động, ít giao tiếp với bạn bè. Khi được hỏi, M. chỉ im lặng hoặc né tránh trả lời.
Trong cuộc họp phụ huynh cuối năm, cô giáo chủ nhiệm đã có buổi làm việc riêng với chị T. Nghe cô giáo nói về những sự thay đổi bất thường ở con gái và khuyên nên đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý, chị T. mới nhận ra bé M. đã bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng trong gia đình, dẫn đến sống khép kín, lo sợ và thiếu tự tin.
"Trẻ em thường không có khả năng xử lý những cảm xúc phức tạp như người lớn và sự căng thẳng trong gia đình dễ gây ra tổn thương tâm lý sâu sắc cho con" - cô giáo của bé M. nhắn nhủ.
Từ khi lên làm giám đốc chi nhánh một ngân hàng, anh T.M.H (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân) thường về khuya vì phải tiếp đối tác, khách hàng, thời gian dành cho gia đình cũng ít đi.
Không ít lần, chị N.T.M.Q (36 tuổi, vợ anh H.) phát hiện áo anh có những vệt son, vậy là 2 vợ chồng cãi nhau "long trời lở đất".
Anh nói chị không thông cảm cho công việc của chồng, còn chị lên án anh sống phóng túng, không thương vợ con. Mối quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng, mọi thứ đều trở thành đề tài cãi nhau, từ những chuyện vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày đến những khác biệt trong quan điểm sống...
Lúc đầu còn e dè, về sau mạnh ai nấy hét. Những cuộc tranh cãi thường xuyên này đã khiến bé H.T (12 tuổi) cảm thấy bất an mỗi khi về nhà. Tình trạng này kéo dài khiến mối quan hệ giữa T. và ba mẹ ngày càng xa cách.
Minh họa AI: VY THƯ
"Những bữa cơm có đầy đủ mọi thành viên trong gia đình ngày càng ít, những bữa cơm đầm ấm lại càng hiếm hoi. Anh em tụi con trở thành đối tượng để ba mẹ trút giận mỗi khi họ cãi vã. Có những lúc không kiềm chế được cảm xúc, ba mẹ có những lời lẽ xúc phạm nhau trước mặt tụi con.
Những lúc đó, con chỉ muốn thoát khỏi gia đình hoặc mong ba mẹ ly hôn cho xong. Chỉ thương em con mới 7 tuổi, ba mẹ ly hôn thì tụi con không được sống cùng nhau" - T. tâm sự.
Tạo cảm giác an toàn cho con
"Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng êm ả và những mâu thuẫn, cãi vã là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đừng để những xung đột này diễn ra trước mặt con cái bởi có thể gây ra những hậu quả khó lường, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và lối sống của trẻ" - chị H.P.L.A (45 tuổi, quận 3, TP HCM) đưa ra kết luận.
Nhiều lần cãi nhau nảy lửa đến mức muốn chia tay khiến cậu con trai đang bước vào tuổi dậy thì "nổi loạn", vợ chồng chị A. đã sực tỉnh sau lần hiệu trưởng mời phụ huynh lên làm việc, "hăm dọa" đuổi học vì con thường xuyên vi phạm kỷ luật.
Cân bằng giữa công việc và gia đình
Gia đình mãi là thành trì vững chắc!
Bữa cơm gia đình: Sức mạnh kết nối
"Lúc đó chúng tôi mới nhận ra những mâu thuẫn của ba mẹ đã khiến tâm lý con bị tổn thương và sự bất mãn với ba mẹ đã khiến con không là chính mình.
Mất đi cảm giác an toàn cũng như niềm tin vào gia đình nên con dễ bị phân tâm, học hành sa sút và kết giao với bạn xấu.
Sau lần đó, chúng tôi đã cố gắng giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh, cùng bàn bạc tìm ra giải pháp hợp lý, tránh cãi nhau trước mặt con" - chị A. chia sẻ.
Có hơn 50 năm gắn bó bên nhau trong hạnh phúc, là niềm tự hào của các con, bà Trương Thu Hòa (75 tuổi, Hà Nội) nói: "Bát đĩa còn có khi xô lệch, trong cuộc sống gia đình, vợ chồng giận nhau là chuyện thường tình. Tuy nhiên, tuyệt đối không được lời to tiếng nhỏ trước mặt con.
Cãi nhau là việc của hai người, đừng để vì mình mà hủy hoại cuộc đời của con. Quan hệ tốt đẹp của cha mẹ chính là khởi nguồn cảm giác an toàn của con. Đây là điều mà của cải vật chất nào cũng không thể thay thế".
Tiếp lời vợ, ông Nguyễn Minh (79 tuổi) kể ngày mới cưới nhau, cha mẹ luôn dặn dò: "Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê". "Chúng tôi thuộc nằm lòng câu này, vận dụng mỗi ngày trong cuộc sống. Dĩ nhiên nói thì dễ, làm mới khó nhưng nếu dẹp cái tôi, luôn yêu thương, tôn trọng nhau thì sẽ vượt qua những tranh cãi không đáng" - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, nếu như con cái sống ở gia đình không cảm nhận được sự yêu thương hòa ái thì vô tình hành vi của cha mẹ lại là sự tổn thương to lớn với chúng.
Hơn nữa, trẻ em có xu hướng học hỏi và bắt chước hành vi của người lớn. Nếu chứng kiến cha mẹ liên tục cãi vã, có thể dẫn đến việc trẻ có những hành vi tiêu cực trong các mối quan hệ xã hội và sau này trong cuộc sống hôn nhân của chính chúng. Là cha mẹ thì hãy làm tấm gương cho con học tập.
Bằng cách giữ hòa khí, tạo ra một môi trường gia đình lành mạnh, cha mẹ không chỉ bảo vệ được hạnh phúc của con mà còn giúp con phát triển toàn diện và trưởng thành một cách tốt nhất.
Đăng thảo luận