Đã nhiều lần đến nước Mỹ nhưng chuyến trở lại này tôi mới có dịp đặt chân, khám phá San Francisco. Với tôi, đó là một hành trình quá đỗi bình yên và đáng nhớ

San Francisco là thành phố đông dân thứ 4 của bang California và đông thứ 17 của nước Mỹ. Nơi này có vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đa dạng. Với lịch sử lâu đời là cảng biển và trung tâm thương mại quốc tế, thành phố đã thu hút người dân từ khắp nơi trên thế giới đến sinh sống và làm việc, tạo nên một cộng đồng năng động từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Quê hương của cây cầu huyền thoại

Làm việc lâu năm trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nên tôi đặc biệt quan tâm đến các thành phố cảng. San Francisco nằm phía Tây miền duyên hải nước Mỹ và phía Bắc vịnh San Francisco thật sự đầy sức hút. Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất ở San Francisco là Golden Gate Bridge (cầu Cổng Vàng) - một biểu tượng của thành phố với cảnh quan tuyệt vời và tầm nhìn đẹp mắt.

 Nơi tôi đến, San Francisco 第1张

Sư tử biển phơi mình bình yên nơi cầu cảng

Cây cầu dài 2,7 km này được xem như một trong những kỳ quan kiến trúc của thế kỷ XX, xây dựng khi nước Mỹ gặp nhiều khó khăn với kinh phí lên đến 35 triệu USD. Cầu có vai trò đáng kể trong việc cải thiện giao thông, nhu cầu vận chuyển, từ đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

 Nơi tôi đến, San Francisco 第2张

Cầu Cổng Vàng lúc đầu có màu xám nhưng sau đó được sơn màu cam

Cầu được hoàn thành vào năm 1937 và là một trong những cầu treo dây văng lớn nhất, đẹp nhất thế giới, nối liền bờ Đông và bờ Tây của vịnh San Francisco. Tên gọi "Golden Gate" không phải là do màu sắc của cầu mà là tên của eo biển cây cầu bắc qua, vốn được đặt theo tên mà cựu Thống đốc bang California - John C. Frémont mô tả vịnh San Francisco là "cổng vàng" vào năm 1846. Cầu Cổng Vàng lúc đầu có màu xám nhưng sau đó được sơn màu cam quốc tế để chống lại sự ăn mòn.

Chốn bình yên của sư tử biển

Một khu vực khác không thể bỏ lỡ là Fisherman's Wharf (bến Ngư Phủ) - nơi tập trung nhiều nhà hàng, cửa hàng và hoạt động giải trí, rất phù hợp để thưởng thức ẩm thực địa phương và mua sắm. Du khách cũng có thể thăm Quảng trường Union để mua sắm trong các cửa hàng thời trang và khám phá nhiều quán cà phê sành điệu. Fisherman's Wharf hấp dẫn du khách với các nhà hàng hải sản tươi ngon, cửa hàng quà lưu niệm và các hoạt động giải trí như hòa nhạc đường phố, biểu diễn nghệ thuật.

Nơi tôi yêu thích nhất là cầu tàu số 39 - Pier 39, gần khu vực trung tâm cảng. Bến tàu được xây dựng vào năm 1936 như một phần của khu trưng bày quốc tế Golden Gate. Ban đầu, bến tàu được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và hành khách. Tuy nhiên, vào những năm 1970, khu vực này đã phát triển thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Năm 1990, sau trận động đất lớn ở San Francisco, những chú sư tử biển bắt đầu tập trung trên bến tàu số 39. Ban đầu, sự hiện diện của chúng gây ra một số bất tiện cho du khách khi khu vực tham quan được chia nhỏ lẻ. Nhưng rồi thời gian qua đi, đó lại là nét đặc sắc hiếm có của nơi này.

Pier 39 là thiên đường của loài sư tử biển. Những chú sư tử biển chẳng màng dòng người đông đúc đang thả bộ thong dong hay dừng bước ngắm nhìn. Chúng cứ nghỉ ngơi và phơi nắng thoải mái trên những mặt gỗ nổi tại cầu cảng vốn xưa kia dành cho những con thuyền vào neo đậu. Từ đầu những năm 1990 đến nay, lúc nào cũng có hơn 150 sư tử biển thường xuyên có mặt. Trung tâm Nghiên cứu các loài thú có vú dưới biển đã ra một khuyến nghị là nhường những bến tàu cho sư tử biển và thuyền được chuyển đến một chỗ mới. Từ đó, những con thuyền hoàn toàn được dời đi để dành chỗ cho sư tử biển.

Sư tử biển vì vậy đã trở nên rất gần với con người. Khu vịnh tự nhiên không có những loài thú đe dọa chúng như cá kình và cá mập trắng mà lại có nhiều cá trích vào mùa hè. Như vậy, các chú sư tử biển an toàn và có đầy đủ thức ăn tại khu cầu cảng.

Theo lời kể của dân địa phương, giai đoạn cao điểm nơi này có đến 1.700 chú sư tử biển. Chúng chẳng thấy phiền hà khi du khách đến thật đông và đương nhiên, người dân, du khách cũng cảm thấy bình yên và dễ chịu khi chiêm ngưỡng loài động vật to lớn mà hiền lành này nằm thư thái tận hưởng mọi thứ theo cách riêng của chúng.

San Francisco cho tôi bài học về sự hòa hợp của con người với thiên nhiên và rằng muôn loài vẫn có thể cùng nhau sẻ chia những điều ấm áp, an lành dưới vòm trời chung bằng sự tôn trọng, hướng thiện và yêu thương. 

"Pháp luật ở bang California không cho phép bất cứ ai chăm sóc, cho ăn hay đe dọa đến sư tử biển. Thậm chí, chúng có quyền cắn con người mà không sợ... bị "kiện" nếu bị đe dọa, cảm thấy nguy hiểm.

 Nơi tôi đến, San Francisco 第3张

 Nơi tôi đến, San Francisco 第4张

 Nơi tôi đến, San Francisco 第5张

 Nơi tôi đến, San Francisco 第6张

 Nơi tôi đến, San Francisco 第7张