Ở lần gần nhất Olympic được tổ chức tại Paris, vào năm 1924, nhà khoa học Etienne Jules Marey đã giới thiệu công nghệ mới gọi là nhiếp ảnh hoạt nghiệm (Chronophotography), giúp ghi lại các chuyển động qua nhiều khung hình để phân tích chuyển động của vận động viên (VĐV). Ông có lẽ không thể tưởng tượng nổi 100 năm sau, khi thủ đô nước Pháp lại tổ chức Olympic, công nghệ hiện đại cho phép chụp 40.000 khung hình mỗi giây, với nhiều điểm ảnh hơn nên chất lượng cũng tốt hơn.
Công nghệ cũng tiến xa đến mức, không chỉ tính toán chính xác tốc độ của các VĐV mà còn dự đoán ai sẽ bứt lên hay tụt lại, so sánh và chỉ ra sự khác biệt giữa người về nhất với những người xếp sau. Ở môn bơi lội, 4 máy quay được bố trí dưới nước kết nối với Computervision (thị giác máy tính) có thể nhận dạng, phân tích chuyển động cũng như gia tốc, giảm tốc của các kình ngư. Trong môn điền kinh, cảm biến gắn trên bib sẽ gửi 2.000 điểm dữ liệu mỗi giây, từ vị trí, tốc độ sải chân đến hướng di chuyển của VĐV. Với những môn đồng đội, ví dụ như bóng chuyền bãi biển, máy tính còn thể hiện hiểu biết chiến thuật của các cầu thủ thông qua chuyển động của họ trên sân bóng dài 16m.
Các VĐV cũng được hưởng lợi từ công nghệ. Tại Olympic Paris 2024, Intel đã tạo ra một chatbot AI để giải đáp mọi thắc mắc của 10.714 VĐV, từ việc tìm kiếm điểm đến, cách thức di chuyển đến việc trông con, lấy bao cao su ở đâu. Bên cạnh đó, công nghệ AI được phát triển bởi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng giúp kiểm soát, ngăn chặn các bình luận độc hại trên mạng xã hội, tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý VĐV.
Việc các sự kiện thể thao lớn trở thành nơi giới thiệu các công nghệ hàng đầu không phải điều gì mới. Tuy nhiên IOC chủ động hơn khi vào tháng 4, một chiến lược toàn diện có tên Chương trình nghị sự AI Olympic được đưa ra với mục đích hỗ trợ VĐV và mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khán giả. Sự hiện diện của AI không chỉ giúp xác định thắng thua mà còn cung cấp cho người theo dõi lý do, cách thức của người chiến thắng và thất bại.
“Có rất nhiều công nghệ tiên phong tại Olympic Paris 2024. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang áp dụng có cân nhắc, mang tính thử nghiệm và đánh giá trước khi sử dụng AI một cách toàn diện nhằm nâng cao Thế vận hội, sẵn sàng tiến đến tương lai”.
Ilario Corna, Giám đốc công nghệ của IOC
Chưa dừng lại ở đó, khán giả còn có khả năng trở thành VĐV Olympic trong tương lai. Điều khó tin, và phi lý này, hoàn toàn là sự thực. Trong một gian hàng của Intel tại Stade de France, bất kỳ ai cũng có thể bước vào và tìm hiểu xem phù hợp nhất với môn thể thao nào. Thông qua các thiết bị đo, AI và công nghệ phân tích các điểm mạnh yếu, họ biết sẽ tiến xa ở một môn xác định.
Đừng nghĩ đây là trò chơi vô thưởng vô phạt. Phiên bản thử nghiệm đã được tiến hành tại Senegal với sự tham gia của IOC. Từ hơn 1.000 thanh thiếu niên trong cả nước, Ủy ban Olympic Senegal đã chọn được 48 VĐV tiềm năng và đưa vào chương trình phát triển quốc gia. Họ chính là nòng cốt để tham dự Olympic trẻ diễn ra vào năm 2026.
Giáo sư Amit Joshi, chuyên gia AI của Viện Phát triển Quản lý Quốc tế, cũng là thành viên nhóm công tác AI của IOC nói rằng “có thể có hàng chục Michael Phelps đang ở đâu đó trên thế giới, nhưng không ai biết tới vì họ chưa bao giờ có cơ hội thi đấu”. Công nghệ Tuyển trạch viên tài năng AI giúp giải quyết điều này với “khả năng phát hiện VĐV ưu tú từ những người bình thường”.
“IOC cũng đang sử dụng AI để Thế vận hội Olympic bền vững hơn, thông qua hệ thống quản lý năng lượng và thu thập dữ liệu đầu vào tinh vi. AI cũng mở ra phương pháp mới để xác định tài năng và chúng tôi sẽ triển khai dự án này trên toàn cầu vào năm 2025, nhằm thực hiện cam kết đưa AI trong thể thao tới tất cả mọi người”, Chủ tịch IOC Thomas Bach nói.
Xem nhiềuThế giới
‘Nhóc’ hà mã lùn Thái Lan bỗng dưng nổi tiếng khắp cõi mạng
Xã hội
Kon Tum tiếp nhận một cá thể trăn đất quý hiếm được người dân giao nộp
Khoa học
Người Scandinavia đã sử dụng thuyền làm bằng da động vật cách đây 5.000 năm?
Khoa học
'Siêu vi khuẩn' sẽ giết chết hàng chục triệu người vào năm 2050
Khoa học
Đăng thảo luận