Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đóng góp cho sự ổn định và phát triển hệ thống chính trị cấp cơ sở

Ngày 8-7, tại TP HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị, với sự tham dự của lãnh đạo Sở Nội vụ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Công khai với người dân

Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết có 53 tỉnh, thành phố phải thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, trong đó cấp huyện sắp xếp 49 đơn vị, cấp xã 1.247 đơn vị. Tính đến ngày 30-6, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp ĐVHC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đã tổ chức thẩm định được 14 đề án và trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 5 đề án; 14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định. Còn 25 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án để gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ nhìn nhận Sở Nội vụ các địa phương đã tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chính quyền địa phương, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tiêu biểu như Nam Định, Tuyên Quang, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Phú Yên, Tiền Giang, Hải Dương.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ của nhiều địa phương trong cả nước đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Nội vụ trong các công việc trọng tâm, nhất là việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Nhiều địa phương đã triển khai ngay công tác này, gắn phương án tổng thể với quy hoạch của địa phương, công khai với người dân. Nhiều địa phương trong diện sắp xếp rất chú trọng lấy ý kiến nhân dân về tên gọi đơn vị hành chính mới, qua đó nhận được sự đồng thuận cao.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Triệu Đức Hạnh cho biết để tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện sắp xếp, địa phương đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Nếu có vướng mắc thì bàn với người dân để đồng thuận. Cùng với đó, địa phương giữ ổn định hệ thống y tế, giáo dục cơ sở... để không ảnh hưởng việc khám chữa bệnh, chất lượng dạy và học.

 Sắp xếp đơn vị hành chính: Làm nhanh, không chậm trễ! 第1张

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tặng hoa chúc mừng tân giám đốc Sở Nội vụ các địa phương

Linh hoạt và dám làm

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá điểm nhấn rõ nét trong nửa đầu năm 2024 là từng địa phương nỗ lực tham mưu cho ngành nội vụ, nhất là phục vụ cho việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, đóng góp cho sự ổn định và phát triển hệ thống chính trị cấp cơ sở. "Hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt cho công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã và đang trong giai đoạn tăng tốc để về đích. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng nhiều địa phương đã thực hiện với tốc độ nhanh, kịp thời để tới đây trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã mà ngành nội vụ đang làm là việc mang tính cách mạng trong tổ chức bộ máy và bước đầu có được thành công rất rõ. Trước đó, giai đoạn 2019-2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp rất tốt, giải quyết căn bản những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh và hiện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện cho giai đoạn 2023-2025. Một số địa phương thực hiện tiêu biểu, nổi bật, dẫn dắt và thực sự tiên phong, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ này là sự tham mưu của Sở Nội vụ rất tốt, bài bản, thể hiện năng lực, sự năng động, linh hoạt và dám làm. Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, thúc đẩy tiến độ sắp xếp ĐVHC, bởi so với mục tiêu, yêu cầu, việc thực hiện vẫn còn chậm. "Địa phương nào không thực hiện xong thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ" - bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh và chỉ đạo 53 địa phương nằm trong diện sắp xếp ĐVHC phải xong để đến ngày 30-9 kết thúc việc này, báo cáo với Bộ Chính trị về kết quả thực hiện, không để chậm được. Bà Phạm Thị Thanh Trà thông tin sắp tới Bộ Nội vụ sẽ làm việc với 2-3 địa phương đang có tiến độ rất chậm. 

Tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã phát động phong trào thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành Nội vụ.

Tham mưu thành công cải cách tiền lương

Trong số các điểm nhấn của 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định việc tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thực hiện cải cách chính sách tiền lương là phần việc gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng là thành công nhất của ngành. Công tác này được thực hiện theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả.

"Đây là thắng lợi lớn của toàn ngành. Đến phút 89 chúng ta vẫn chưa hiểu sẽ thực hiện theo cách nào. Nhưng cuối cùng, việc cải cách chính sách tiền lương trở thành niềm vui lớn cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong lĩnh vực công, trên 50 triệu người hưởng lương cơ sở và nhiều đối tượng khác"- bà Phạm Thị Thanh Trà nói.