Trôi nổi theo đường tiểu ngạch
Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, sau nhiều ngày theo dõi, Đội QLTT số 9 phối hợp với Công an phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức bất ngờ kiểm tra một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn phường. Lực lượng chức năng phát hiện tại đây đang kinh doanh thực phẩm đông lạnh, không có nhãn hàng hóa theo quy định, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 400 kg dồi trường heo, vú heo đông lạnh với tổng trị giá hàng hóa vi phạm căn cứ theo giá niêm yết gần 40 triệu đồng.
Lực lượng quản lý thị trường TPHCM thu giữ nhiều nội tạng động vật “3 không” tại một kho hàng ở phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức)
Trước đó, cũng tại phường Bình Chiểu, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh và phát hiện khoảng 140 kg mề gà, chả cá đông lạnh không có nhãn hàng hóa theo quy định, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đoàn lập biên bản đối với doanh nghiệp, tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xử lý.
Đội QLTT số 3 cho biết, thường xuyên phát hiện thực phẩm trôi nổi tại các kho hàng, điểm chứa trữ hàng hóa trên địa bàn thành phố, như lô hàng gần 8 tấn thực phẩm đông lạnh là nội tạng động vật tại một điểm kinh doanh hàng hóa ở phường Bình Chiểu (TP.Thủ Đức). Số hàng trị giá hơn nửa tỷ đồng, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng, không có nhãn hàng hóa.
Mới đây nhất, ngày 8/10, Đội An toàn thực phẩm số 2 thuộc TP Thủ Đức kiểm tra một kho lạnh, phát hiện hơn 1,2 tấn sản phẩm nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội đã tịch thu và tiêu hủy tại chỗ, quyết định xử phạt hành chính. “Đa số các loại thực phẩm trôi nổi đều được tuồn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, thường tập kết ở kho hàng thuộc địa bàn vùng ven, ít người qua lại. Khi vận chuyển, sản phẩm được đóng thùng và trà trộn chung với nhiều thực phẩm khác trong xe đông lạnh nên rất khó phát hiện. Các loại thực phẩm nhập lậu, nội tạng động vật này phần lớn đều bốc mùi hôi thối, hư hỏng… Thực phẩm không nguồn gốc sau khi được chế biến sẽ tuồn các quán ăn, điểm kinh doanh vỉa hè để tiêu thụ. Để bắt quả tang, chúng tôi phải nằm vùng nhiều ngày, phối hợp với nhiều đơn vị khi quyết định kiểm tra kho hàng” - một cán bộ QLTT cho biết.
Sở An toàn thực phẩm TPHCM tăng cường kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, test nhanh mẫu sản phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền ảnh: U.P
Nguyên liệu bẩn “chui” vào hàng Tết
Ngày 9/10, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, nói rằng, từ đây đến cuối năm, tình hình thực phẩm sẽ còn rất phức tạp. “Đây là thời điểm hàng giả, hàng lậu được tập kết về kho, các đầu nậu trữ nguyên liệu thực phẩm quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không bảo đảm chất lượng. Sau đó, gần cuối năm sẽ đưa vào sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết như giò chả, xúc xích, bánh trái… Chúng tôi đang tăng cường các đội thanh tra, kiểm tra” - bà Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan, mối nguy về ATTP vẫn còn, nhất là chất phụ gia nhưng không phải phụ gia thực phẩm mà được thay thế bằng hóa chất công nghiệp. Việc mua bán phụ gia, hóa chất trái phép ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. “Sở ATTP TPHCM vẫn thường xuyên kiểm tra tại chợ Kim Biên (quận 5). Tại đây có 16 gian hàng chuyên kinh doanh các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm. “Chúng tôi yêu cầu tiểu thương bán hàng phải “nguyên đai nguyên kiện”, tức là bán hàng phải có đóng gói, nhãn mác, hàng nguyên hộp, chứ không phải chia nhỏ ra trong từng túi nilon, đủ màu xanh đỏ tím vàng… Như vậy rất dễ trà trộn hóa chất công nghiệp” - bà Lan nói.
Tuy nhiên, theo bà Lan, mặc dù cơ quan chức năng nỗ lực rất nhiều, 16 hộ kinh doanh trong chợ Kim Biên đều tuân thủ, nhưng xung quanh chợ còn có rất nhiều hộ khác bán hóa chất công nghiệp, không thuộc quyền quản lý của ngành thực phẩm. Nếu người dân cố tình đến mua thì có thể vi phạm. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán tự phát, kinh doanh ở vỉa hè, lòng lề đường vẫn còn rất nhiều, nhất là xung quanh khu vực chợ đầu mối. Kinh tế còn khó khăn nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên chọn thực phẩm rẻ.
Tìm cách loại thực phẩm bẩn
UBND TPHCM vừa sơ kết chương trình “Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố” (còn gọi là “Tick xanh trách nhiệm”) được triển khai từ tháng 3. Theo đó, nhiều siêu thị đã ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với Sở Công Thương, khuyến khích các nhà cung cấp phối hợp nâng cao trách nhiệm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất và nhà cung cấp để bảo đảm chất lượng hàng hóa đưa vào hệ thống siêu thị phải đạt tiêu chuẩn như đã công bố, mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý. “Nếu phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ lập tức ngưng lưu hành sản phẩm đó trong hệ thống và báo cáo đến Sở Công Thương TPHCM” - ông Thắng khẳng định.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, Sở sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Đồng thời lập website để kiểm tra những sản phẩm, đơn vị nào có “tick xanh” hay không. Ngoài ra, Sở cũng sẽ thống nhất về chế tài đối với những vi phạm để đủ sức răn đe. “Trong bối cảnh ATTP, chất lượng hàng hoá vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn như hiện nay, việc gắn “tick xanh” sẽ là giải pháp giúp người tiêu dùng được sở hữu những sản phẩm thực sự chất lượng, an toàn; đồng thời giúp doanh nghiệp chân chính tiêu thụ được nhiều sản phẩm, hàng hoá” - ông Phương nói.
Uyên Phương Xem nhiềuKinh tế
Phó Thủ tướng làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về vốn đầu tư công
Kinh tế
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước
Kinh tế
Giá vàng nhẫn bật tăng trở lại
Kinh tế
Chi tiết số tiền người dùng phải trả mỗi tháng khi tăng giá điện
Kinh tế
Đăng thảo luận