Bổ sung đối tượng, cải thiện nguồn vốn, điều kiện vay để người lao động dễ tiếp cận, từ đó phát huy hiệu quả của chính sách

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), thông qua nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động yếu thế được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất - kinh doanh, tự tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.

Nhiều bất cập

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tính riêng từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), đã hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm cho 728.939 người trên cả nước.

Năm 2021 hỗ trợ cho 308.410 người vay 10.044 tỉ đồng; năm 2022, doanh số cho vay từ tất cả các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm là 35.569 tỉ đồng, hỗ trợ duy trì, tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động; năm 2023, doanh số cho 546.000 lao động vay gần 29.853 tỉ đồng; 3 tháng đầu năm 2024, Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của NHCSXH đã hỗ trợ hơn 2.889 tỉ đồng cho 49.883 người.

Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng chính sách hỗ trợ vốn vay tự tạo việc làm thời gian qua vẫn tồn tại nhiều bất cập. Theo đó, Luật Việc làm quy định Quỹ Quốc gia về việc làm được hình thành từ các nguồn: ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác, nhưng thực tế chỉ có 3 nguồn: Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn do NHCSXH huy động và nguồn địa phương ủy thác qua NHCSXH. Quỹ không có tổ chức bộ máy, kế toán và từ năm 2016 đến nay, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho quỹ, chỉ được bổ sung từ một phần tiền lãi cho vay (10% lãi cho vay của quỹ). Trong khi nguồn lực cho vay hạn chế nhưng đối tượng được vay khá rộng, nhu cầu vốn lớn, dẫn đến chính sách chưa đáp ứng được thực tiễn.

Đại diện NHCSXH - Chi nhánh TP HCM cho biết trong 5 năm qua, đơn vị đã giải ngân cho 219.000 khách hàng vay với tổng số tiền hơn 13.100 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và NLĐ. "Ở bất kỳ thời điểm nào, nhu cầu vay vốn của người lao động (NLĐ) để duy trì, tự tạo việc làm cũng đều rất lớn. Nguồn vốn cho vay thường không đủ đáp ứng nhu cầu của NLĐ, chưa kể nhu cầu vay của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX)…

Để cải thiện nguồn vốn vay, khi xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất bổ sung quy định ngân sách địa phương bố trí một khoản chi đầu tư phát triển để chuyển cho NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm. Đồng thời, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm sẽ gồm: Quỹ Quốc gia về việc làm; ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; nguồn huy động của NHCSXH được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho NHCSXH.

 Tăng cường trợ vốn cho đối tượng yếu thế 第1张

Nhân viên Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh TP HCM trao vốn vay cho người lao động

Mở rộng đối tượng hỗ trợ

Theo quy định hiện hành, đối tượng vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm bao gồm: DN nhỏ và vừa, HTX tổ hợp tác, hộ kinh doanh, NLĐ. Trong đó, DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.

Theo các chuyên gia lao động, quy định này có hạn chế vì chưa thể hiện mức độ ưu tiên trong tiếp cận nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhất là các đối tượng yếu thế, đặc thù. Chẳng hạn như đối với NLĐ trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; NLĐ là cha, mẹ hoặc người giám hộ của người khuyết tật bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… Khắc phục bất cập này, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về đối tượng ưu tiên tiếp cận vốn vay như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng… và được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.

Đồng tình với nội dung bổ sung trên, góp ý cho dự thảo Luật Việc làm, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Thuận cho rằng không ít NLĐ dù không thuộc hộ nghèo, cận nghèo hay hộ mới thoát nghèo nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn, cũng cần được hỗ trợ. Do vậy, cần bổ sung họ vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ (có xác nhận của chính quyền địa phương tại nơi cư trú là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn), để có điều kiện tự tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Cùng góc nhìn, đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tuyên Quang đề nghị xem xét cho NLĐ thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình không chỉ được ưu tiên vay vốn và còn được vay với lãi suất ưu đãi.