Những cầu thủ thành danh lạc lõng trong hệ thống chiến thuật mới, vội vã đập đi xây lại phong cách trong khi thực lực chưa đủ.

Những khán đài trống vắng, các quán cà phê không còn đông đúc chật chội mỗi khi đội tuyển thi đấu... thể hiện sự thờ ơ và nỗi thất vọng của người hâm mộ đối với đội tuyển Việt Nam khi liên tiếp có những kết quả không tốt gần đây.

Có thể nói trong suốt hai năm vừa qua bóng đá Việt Nam thể hiện sự đi xuống rõ rệt so với các nền bóng đá trong khu vực, vì đâu nên nỗi?

1. Sự thay đổi quá nhanh của phong cách thi đấu

Sau trận chung kết lượt về AFF 2022, nhìn cách chúng ta bế tắc trong tấn công và để thua Thái Lan 0-1, đồng thời nhìn đối thủ nâng cup, người hâm mộ, chuyên gia, và cả những người làm bóng đá đều cảm thấy thất vọng.

Họ đặt ra những câu hỏi đại loại như: tại sao chúng ta đang có những cầu thủ tấn công tốt như Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Toàn, Tiến Linh... mà ông Park vẫn theo đuổi lối đá phòng ngự phản công. Tại sao chúng ta không tấn công chủ động hơn để tận dụng hết năng lực của những cầu thủ trên?

Ngay cả một chuyên gia như Steve Darby (người từng gắn bó với đội tuyển nữ Việt Nam) trước đó cũng lên tiếng kêu ông Park thay đổi lối chơi để đội tuyển Việt Nam tấn công chủ động hơn - điều đó có lẽ đúng với xu thế của bóng đá hiện đại.

Nhưng... ông Park kết thúc hợp đồng và người được chọn tiếp theo là ông Troussier, huấn luyện viên người Pháp nổi tiếng với triết lý kiểm soát bóng và tấn công đẹp mắt.

Các nhà lãnh đạo liên đoàn bóng đá Việt Nam và cả người hâm mộ đều mong chờ đội tuyển Việt Nam sẽ lột xác dưới thời ông Trou. Tuy nhiên sau hơn một năm tất cả đều vỡ mộng, ông thầy người Pháp có lẽ phù hợp là một nhà giáo, một người dẫn dắt lứa trẻ hơn là một vị tướng cầm quân đi đánh trận lớn, những thất bại liên tiếp ở các giải đấu lớn, trẻ hóa vô tội vạ, gây sự với giới truyền thông...

Những sai lầm mà ông mắc phải khi còn làm việc ở Qatar và Thâm Quyến được lặp lại, một lối chơi công không được thủ cũng không xong. Hoặc cũng có thể nền bóng đá Việt Nam không cung cấp đủ nhân lực để ông thực hiện lối chơi mà ông mong muốn, đã khiến ông Trou ra đi không kèn không trống.

Người được lựa chọn tiếp theo là ông Kim Sang Sik dung hòa hơn, không trẻ hóa ồ ạt như người tiền nhiệm nhưng có lẽ thời gian của ông Kim quá ít hoặc có lẽ ông ấy chưa hiểu hết về cầu thủ Việt Nam nên bốn trận đấu dưới thời ông Kim đội tuyển Việt Nam vẫn hành lối chơi vẫn chưa rõ ràng:

Phòng ngự phản công cũng không phải mà tấn công chủ động vẫn chưa tới, chúng ta phòng ngự vẫn rất hớ hênh và tấn công vẫn bế tắc không khác gì người tiền nhiệm. Điều đó càng tạo thêm nỗi thất vọng cho người hâm mộ trên truyền hình và trên những khán đài vắng tanh.

2. Bóng đá Việt Nam thiếu chiều sâu

Có thể nói công cuộc chuyển đổi lối chơi từ phòng ngự phản công sang tấn công chủ động của bóng đá Việt Nam trong hai năm vừa qua đã hoàn toàn thất bại (chí ít là cho đến thời điểm này).

Hàng phòng ngự nổi tiếng vững chắc nhất Đông Nam Á đã không còn, các đối thủ hiện nay dễ dàng xuyên ghi bàn vào lưới đội tuyển Việt Nam hơn, các lỗi cá nhân, sơ đẳng mắc nhiều hơn, đặc biệt là các tình huống chống bóng bổng, mỗi khi đối phương có những quả phạt góc hay những tình huống treo bóng bổng vào khu vực cấm địa người hâm mộ lại có cảm giác lo lắng đến thót tim.

Trong 44 trận cầm quân của ông Park ở đội tuyển Việt Nam chúng ta chỉ nhận 5 bàn thua từ các tình huống phạt góc và bóng bổng nhưng trong 15 trận của 2 ông Trou và ông Kim chúng ta đã nhận đến 8 bàn thua từ các tình huống trên.

Nên nhớ hàng phòng ngự của ông Park gồm Duy Mạnh (1m8), Hải Quế ( 1m8), Tiến Dũng (1m75) không được đánh giá là cao lớn nhưng vẫn chống bóng bổng rất tốt, điều này chỉ ra ngoài chiều cao, sức mạnh thì hệ thống chiến thuật đóng vai trò rất lớn trong việc phòng ngự bóng bổng.

Có lẽ điều đầu tiên ông Kim nên làm tiếp theo là gia cố hàng phòng ngự, bóng đá Việt Nam hiện nay có thể thiếu vắng tiền đạo giỏi nhưng hậu vệ tốt chúng ta không thiếu và đây là nguồn lực mà ông Kim có thể tận dụng.

Thay đổi mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất dưới thời ông Trou và ông Kim là khả năng pressing. Khác với thời ông Park chỉ pressing bên phần sân đối phương trong những thời điểm nhất định, thì đội tuyển Việt Nam trong hai năm gần đây mức độ pressing tăng cao gần như chiếm đến 2/3 thời gian thi đấu trên sân.

Điều này giúp chúng ta tăng số lần đạt bóng trên sân đối phương nhiều hơn, tuy nhiên mức độ tận dụng cơ hội từ các tình huống đó lại là con số không tròn trĩnh vì chúng ta không có một miếng đánh tấn công nào rõ ràng để chuyển hóa các cơ hội thành bàn thắng.

Một điều nữa là khi pressing liên tục thì các cầu thủ phải di chuyển, phải chạy nhiều hơn dẫn đến thể lực suy giảm ở cuối trận.

Hậu quả là đội tuyển Việt Nam liên tục phải nhận các bàn thua ở những phút cuối cùng trước các đối thủ có thể lực tốt hơn, nó cũng chứng tỏ sự chưa hợp lý trong cách phân phối thể lực của chúng ta điều này cũng là sự khác biệt so với thời ông Park và chúng ta cũng biết rằng các cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá cao về mặt thể lực.

3. Lỗi có nằm ở V-League

Có nhiều ý kiến cho rằng các cầu thủ ngoại làm mất đi cơ hội thi đấu của các cầu thủ trẻ và cầu thủ nội, điều này đúng nhưng đó là xu thế cạnh tranh của bóng đá hiện đại, nếu nhìn vào số lượng cầu thủ ngoại được đăng ký trong 10 nước Đông Nam Á chúng ta xếp cuối cùng (3 cầu thủ), Thái Lan (9 cầu thủ), Indonesia (7 cầu thủ), Malaysia (6 cầu thủ), thì chúng ta vẫn còn khá ít.

Đó là chưa kể đến những cầu thủ nhập tịch thì số lượng chắc chắn còn nhiều hơn, vì vậy nói cầu thủ ngoại làm ảnh hưởng đến đội tuyển Việt Nam là không hoàn toàn chính xác.

Nếu lấy World Cup là tiêu chuẩn thì mỗi cầu thủ một trận đấu di chuyển khoảng trên 10 km, thì các cầu thủ ở V-league chỉ di chuyển trung bình khoảng 9,3-9,5 km một trận như vậy so với tiêu chuẩn trung bình chúng ta chưa đạt được.

Điều này nằm ở yếu tố hệ thống chiến thuật, thể lực, năng lực của các cầu thủ, ở V-league rất hiếm hoi cầu thủ Việt Nam chạy nhiều hơn 10 km một trận như Thái Sơn, Hoàng Đức, Quang Hải, Hùng Dũng... như vậy là quá ít để áp dụng một lối đá pressing có tính cường độ cao.

Các vấn đề khác như điều kiện mặt sân, trọng tài, bạo lực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải đấu, gây nên những ca chấn thương không mong muốn từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến đội tuyển chúng ta.

Tóm lại, sau 5 năm dưới thời ông Park chúng ta đã bỏ quên những vấn đề nội tại của mình vội vã hướng đến những cái cao hơn trong khi năng lực chưa đủ. Chúng ta đã vội vã đập đi cái cũ để xây dựng cái mới dù không biết rằng nó có phù hợp hay không.

Khi không thể xây dựng được cái mới chúng ta muốn quay lại cái cũ thì nền tảng đã không còn.

Nhìn các cầu thủ hiện nay thi đấu trên sân chúng ta có cảm giác họ cũng mông lung về lối chơi, những cầu thủ thành danh lạc lõng trong hệ thống chiến thuật mới (Hoàng Đức gần như vô hại khi đá tiền đạo ảo, Phan Tuấn Tài liên tục mắc lỗi khi đá trung vệ lệch trái...)

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta lại đi xuống nhanh đến như vậy. Chính sách nhập tịch có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề trước mắt nhưng về lâu dài chúng ta cần một giải pháp bền vững hơn, nền tảng hơn.

Phương Đường Kính