Phần lớn KGCC có sẵn không được quản lý, khai thác đúng mức. Trong khi đó, KGCC mới chưa được quan tâm và phát triển theo kịp tốc độ đô thị hóa.
Bộc lộ nhiều hạn chế

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã xây dựng được nhiều KGCC tiện ích, thực sự là môi trường văn hóa của đô thị.

Theo TS Bùi Văn Tuấn - Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, chỉ tính riêng khu vực nội đô lịch sử đã có 42 công viên và vườn hoa; 46 hồ nước có đường dạo; các quảng trường; 3 tuyến phố đi bộ, 1 phố sách, 2 khu chợ đêm; các sân chơi nội khu. Cùng với những dự án tôn tạo di sản đô thị, tăng cường sinh hoạt văn hóa - giải trí phong phú (Hà Nội dự kiến khôi phục đủ 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên thành KGCC), những KGCC có giá trị về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa, lịch sử này ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân cũng như khách du lịch tham quan.

Tuy nhiên, thực tế, ở hầu hết các đô thị trên cả nước, mạng lưới KGCC chưa đạt yêu cầu về số lượng, diện tích và tiện ích. Phần lớn các KGCC có sẵn không được quản lý, khai thác đúng mức. Những KGCC mới chưa được quan tâm và phát triển theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Năm 2018, KTS Trần Huy Ánh có đưa ra số liệu “trong 100 năm đô thị hóa (1900 - 2000), Hà Nội xây dựng 12 triệu mét vuông nhà ở nhưng chỉ hơn 10 năm (2001 - 2014), Hà Nội đã xây mới gần 120 triệu mét vuông, gấp 10 lần 100 năm trước đó. Dẫu vậy, hạ tầng đô thị (trong đó có KGCC) không phát triển tương ứng. KGCC vốn đã ít ỏi lại ngày càng thu nhỏ do nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng.

Gần đây, theo một số báo cáo, diện tích không gian xanh công cộng ở Hà Nội chỉ đạt khoảng 2m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 9m2/người.

Kết quả khảo sát của Tổ chức Thành phố sống tốt (Healthbridge) Việt Nam, cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội hiện đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành; đất được dùng làm KGCC chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất, trong khi theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang đặt mục tiêu, chỉ tiêu bình quân cho khu vực trung tâm là 3,02m2/người.

Bài 2: Chưa phát triển theo kịp tốc độ đô thị hóa  第1张 Trẻ em vui chơi trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Đất cây xanh toàn đô thị Hà Nội là 2,0m2/người, trong đó đất cây xanh sử dụng cộng cộng khu vực nội thành, nội thị bình quân chỉ đạt 2,45m2/người. Đây là những chỉ số còn rất xa so với tiêu chuẩn Việt Nam (15m2/người).

“Qua đó có thể thấy, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng đang tập trung nhiều vào phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở và các công trình thương mại dịch vụ; chưa coi trọng KGCC nói chung và không gian cây xanh, mặt nước nói riêng.

Bên cạnh đó, sự phân bố của các vườn hoa, công viên không đồng đều, khu vực đô thị lõi trung tâm có số lượng vườn hoa, công viên hạn chế và quy mô nhỏ. TP đã đầu tư phát triển một số công viên lớn, nhưng ở vùng đô thị mở rộng bởi khả năng khai thác quỹ đất cũng như mức độ đền bù giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn so với trung tâm” - TS. KTS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ.

Thiếu hấp dẫn

Nghiên cứu các giải pháp nhằm xây dựng, khai thác hiệu quả và phát huy giá trị của các KGCC, tập trung vào hệ thống vườn hoa, công viên, đường phố trên địa bàn TP Hà Nội, TS. KTS Phạm Anh Tuấn cho rằng, sự phân bố và quy mô của các vườn hoa, công viên tại Hà Nội không đều, cùng với mức độ đầu tư, trang bị tiện ích công cộng chưa đồng bộ giữa các công trình đã làm giảm sự hấp dẫn của KGCC.

Hiệu quả khai thác tại nhiều công viên, vườn hoa còn hạn chế, đặc biệt là các công viên có quy mô lớn, công viên trong các khu vực đô thị mở rộng có mật độ dân cư ở chưa cao. Hiện tượng này không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên, giảm hiệu quả đầu tư và chưa đáp ứng nhu cầu thiết thực cũng như sự bình đẳng về quyền được sử dụng các KGCC này của dân cư đô thị ở mỗi khu vực. Qua đó cho thấy, chiến lược lựa chọn và ưu tiên đầu tư các công viên lớn chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của TP.

Dẫn chứng về điều này, TS. KTS Phạm Anh Tuấn đưa ra thực tế về sự vắng bóng người dân trong Công viên Thiên văn học trong phần lớn thời gian trong ngày thể hiện mức độ hấp dẫn, sự thiếu hụt về các tiện ích và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân khi tham gia hoạt động trong công viên.

Nguyên nhân dẫn tới thực tế đó là do các giải pháp thiết kế tập trung nhiều vào đường giao thông nội bộ, cứng hóa bờ nước và chỉnh trang hệ thống chiếu sáng nhưng chưa quan tâm tới các yếu tố về cây xanh, nghệ thuật cảnh quan và chưa có sự gắn kết với môi trường cảnh quan khu vực.

Bên cạnh đó, nhiều khu vực đầu tư đơn điệu, nhất là khu vực ngoại thành, các công trình xây mới chỉ tập trung đầu tư lát đường và cây trồng với sự đa dạng về thành phần loài không cao. Trong khi đó, các vườn hoa trong khu vực nội thành được cải tạo nhưng chưa chú trọng đến phát triển hệ sinh thái, tạo động lực phát triển đa dạng sinh học và hình thành các KGCC bền vững.

Ngoài ra, những KGCC có quy mô lớn đã được đầu tư trong thời gian dài trước đây tại khu vực nội thành có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư cải tạo bài bản nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác và sức hấp dẫn của các không gian này.

Điển hình có thể kể đến như: Công viên Bách Thảo, Công viên Cầu Giấy, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất... Bên cạnh đó, rất nhiều công viên đã được quy hoạch nhưng chưa thể triển khai hoàn thiện đầu tư xây dựng do nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như: Công viên Chu Văn An; Công viên hồ Phùng Khoang; Công viên văn hóa, vui chơi, giải trí thể thao quận Hà Đông; Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy...

“Chúng trở thành những khu đất hoang hoặc được tận dụng khai thác không đúng mục đích, gây lãng phí tài nguyên và không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân, nhất là đối với các công viên có vị trí nằm trong khu vực có mật độ dân cư cao như công viên hồ Phùng Khoang hay Công viên văn hóa, vui chơi, giải trí thể thao quận Hà Đông” - TS. KTS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Mặt khác, quy hoạch, xây dựng và khai thác các KGCC ở ngoại thành Hà Nội hiện đang gặp nhiều thách thức không nhỏ, quy mô và chất lượng về KGCC tại đây vô cùng hạn chế. Chính quyền địa phương chưa thực sự coi trọng công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển KGCC.

Nguyên nhân chính là do nguồn lực tài chính còn hạn chế, mới chỉ ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Thói quen sử dụng các KGCC của người dân cũng chưa thực sự phù hợp. Những diện tích dành cho KGCC của các khu vực trung tâm các xã, huyện vốn đã vô cùng hiếm hoi nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chưa phát huy được vai trò và giá trị của chúng, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.

 

Theo thống kê số liệu của JICA, từ năm 1994 - 2009 (trong 15 năm), Hà Nội đã giảm từ 40 hồ nước còn 19 hồ (mất 21 hồ), khoảng 850ha diện tích hồ bị thu hẹp xuống còn 547ha. Giai đoạn 2010 - 2015, thống kê về ao, hồ trong 6 quận nội đô Hà Nội của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thì Hà Nội đã san lấp hoàn toàn thêm 17 hồ. Nhiều hồ chỉ còn lại trong ký ức của người dân như hồ Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) hay hồ Hào Nam (quận Đống Đa).

Để giữ gìn “lá phổi xanh”, TP Hà Nội đã bổ sung 7 hồ mới nhưng tổng diện tích mặt nước ao, hồ vẫn giảm 72.540m2 so năm 2010. Bên cạnh đó, hàng chục ngôi làng cũ từng bao quanh Thủ đô đang được hòa nhập vào kết cấu đô thị của TP. Trong quá trình đó, nhiều ngôi làng trong số này đang chứng kiến sự biến mất của những cổng cổ, ao trung tâm, nhà cổ và các địa danh văn hóa và kiến trúc khác.

TS Đặng Hoài Giang - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

(Còn nữa)