YênBái - Qua gần 14 năm đổi tên gọi lâm trường thành công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (TNHH MTVLN), song phương thức tổ chức hoạt động, quản lý sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.
Diện tích 4 ha keo đã đến tuổi khai thác của gia đình anh Trần Văn An ở thôn Khe Bát, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên một số cây bị sâu chết nhưng chưa bán được.
>> Bài 1: Thực trạng hoạt động của các công ty lâm nghiệp Yên Bái
Hiện nay, mỗi công ty lâm nghiệp đều còn nợ khoản tiền thuê đất hàng tỷ đồng, ngoại trừ Công ty TNHH MTVLN Thác Bà đã trả tiền thuê đất được gần 3 tỷ đồng; còn Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên do hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, gần như ngừng hoạt động và không có khả năng thanh toán các khoản nợ công nhưng cũng chưa giải thể được.
Ông Mai Văn Hoàng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTVLN Việt Hưng nêu những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty: "Từ năm 2003 đến nay, do cơ chế vay thay đổi Công ty không được vay vốn ưu đãi dài hạn để đầu tư trồng rừng sản xuất, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 3 tỷ đồng. Những năm gần đây, rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết dông lốc, sâu bệnh hại cây trồng bị gẫy đổ, chết, sinh trưởng phát triển kém, dẫn đến năng suất, chất lượng rừng trồng hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Chu kỳ kinh doanh rừng phải từ 7 đến 8 năm trở lên mới có sản phẩm thu hoạch nên việc nộp thuế đất hàng năm đối với toàn bộ diện tích đất trồng rừng của Công ty quản lý rất khó khăn, vì thế Công ty đã không hoàn thành thu nộp tiền thuê đất theo kế hoạch...”.
Hiện nay, công nhân lao động, các gia đình, cá nhân hợp đồng liên kết trồng rừng sản xuất ăn chia sản phẩm với các công ty lâm nghiệp nói chung và Công ty TNHH MTVLN Việt Hưng nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả tiền thuê đất hàng năm.
Gia đình anh Lê Văn Năng và anh Trần Văn An ở thôn Khe Bát, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên đều ký hợp đồng trồng rừng sản xuất với Công ty TNHH MTVLN Việt Hưng khoảng 10 ha. Trong những năm gần đây, keo, bồ đề bị sâu bệnh, gió đổ chết nhiều, gia đình anh Năng xin chuyển sang trồng 3,5 ha quế, nhưng quế lại bị sâu chết hết 1,5 ha. Còn diện tích 4 ha keo đã đến tuổi khai thác của gia đình anh An cũng không bán được để trả tiền thuê đất, khó khăn chồng chất khó khăn.
Anh Trần Văn An chia sẻ: "Hiện nay, gia đình tôi có 4 ha keo đã đến tuổi khai thác nhưng không bán được, giá bán cây đứng giảm từ 1 triệu đồng/m3 xuồng còn 800 nghìn đồng/m3 nhưng không ai mua; sản lượng thấp, có lô đạt 70 m3/ha, có lô chỉ đạt 50 m3/ha do cây bị sâu bệnh, gẫy đổ chết nhiều, trong khi đó đầu tư trồng mỗi héc-ta rừng đến khi khai thác phải hết từ 40 - 50 triệu đồng, tính ra nhiều diện tích còn bị lỗ, chứ nói gì đến lãi.
Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng xem xét miễn, giảm diện tích rừng bị sâu bệnh, thiên tai chết và điều chỉnh việc thu tiền thuê đất trồng rừng sản xuất hàng năm theo chu kỳ khai thác từ 7 đến 8 năm, khai thác lô nào nộp tiền lô đấy, chứ thu theo từng năm như hiện nay thì chúng tôi không có khả năng để nộp, vì đã phải vay tiền để đầu tư trồng rừng, chưa kể nhiều diện tích rừng chết lại phải đầu tư trồng lại... ”.
Công ty TNHH MTVLN Việt Hưng phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh mời chuyên gia của Hà Lan kiểm tra lấy mẫu bệnh mọt đục thân cây keo.
Qua tìm hiểu được biết, Công ty TNHH MTVLN Việt Hưng còn nợ tiền thuê đất từ năm 2019 đến 2023 là khoảng 6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTVLN Ngòi Lao còn nợ tiền thuê đất khoảng 5 tỷ đồng; Công ty TNHH MTVLN Yên Bình còn nợ tiền thuê đất khoảng gần 3,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTVLN Thác Bà còn nợ khoảng gần 1 tỷ đồng.
Thực tế từ năm 2016 đến nay, khi các công ty lâm nghiệp xây dựng phương án cổ phần hóa theo sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh triển khai dự án lập hồ sơ sử dụng đất, đo đạc, lập bản đồ địa chính thì diện tích đất trồng rừng sản xuất của Công ty TNHH MTVLN Việt Hưng còn quản lý là 1.527,41 ha, diện tích dự kiến trả về địa phương 634 ha, nhưng theo thông báo nộp tiền thuê đất của cơ quan thuế với Công ty hàng năm trên 2.157 ha; Công ty TNHH MTVLN Ngòi Lao diện tích phải trả tiền thuê đất hàng năm trên 1.500 ha, song thực tế diện tích trồng rừng được chỉ có 1.200 ha, còn lại là đất phi nông nghiệp, khe rãnh, đá nổi không thể trồng rừng được; Công ty TNHH MTVLN Yên Bình diện tích đất thuê 1.400 ha, thực tế Công ty đang sử dụng 560 ha, diện tích còn lại bàn giao về địa phương quản lý, song đến nay vẫn chưa bàn giao được; Công ty TNHH MTVLN Thác Bà, diện tích phải trả tiền thuê đất hàng năm 1.058 ha, nhưng thực tế diện tích đang sử dụng của Công ty có 817 ha, diện tích còn lại cũng chưa bàn giao về địa phương quản lý được.
Còn Lâm trường Lục Yên có diện tích quản lý, sử dụng trên 1.521 ha, diện tích bị lấn, chiếm 1.176,93 ha, diện tích tranh chấp 37,5 ha; Lâm trường Văn Yên có diện tích quản lý, sử dụng trên 524 ha, diện tích bị lấn, chiếm 141,4 ha. Do hoạt động sản xuất, kinh doanh của hai lâm trường này không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, gần như ngừng hoạt động và không có khả năng thanh toán các khoản nợ công nhưng cũng chưa giải thể được do các khoản nợ công phải thu, phải trả đến nay chưa được rà soát, đối chiếu và xác nhận nợ; số công nợ đến nay phải thu chủ yếu là công nợ rất khó có khả năng thu hồi do phát sinh từ nhiều năm qua...
Để tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp và các lâm trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp và giải thể 2 lâm trường. Theo đó, chuyển đổi Công ty TNHH MTVLN Việt Hưng và Công ty TNHH MTVLN Ngòi Lao sang công ty cổ phần Nhà nước giữ cổ phần chi phối; chuyển đổi Công ty TNHH MTVLN Yên Bình và Thác Bà sang công ty TNHH Hai thành viên lâm nghiệp và giải thể Lâm trường Văn Yên và Lâm trường Lục Yên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp và giải thể 2 lâm trường trên địa bàn tỉnh, các công ty lâm nghiệp và các cơ quan chức năng của tỉnh cần sớm có kiến nghị với cơ quan thuế tỉnh và cấp trên để điều chỉnh phương án thu tiền thuê đất hàng năm, thành thu tiền thuê đất theo chu kỳ trồng rừng sản xuất từ 7 đến 8 năm nhằm giảm bớt khó khăn cho công nhân lao động, hộ gia đình, cá nhân hợp đồng thuê đất trồng rừng sản xuất với các công ty lâm nghiệp cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp.
Mặt khác, các công ty lâm nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương, của tỉnh sớm xác minh số diện tích rừng bị sâu bệnh, thiên tai của công nhân lao động, hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng thuê đất trồng rừng với các công ty để xin miễn, giảm tiền thuê đất trồng rừng sản xuất đối với những diện tích bị thiệt hại từ năm 2019 - 2024. Như vậy, công nhân lao động, hộ gia đình, cá nhân hợp đồng thuê đất trồng rừng sản xuất với các công ty lâm nghiệp mới "đủ sức” để tiếp tục đầu tư, duy trì trồng rừng sản xuất theo hợp đồng đã ký kết.
Minh Hằng
Tags Yên Bái sản xuất kinh doanh công ty lâm nghiệp
Đăng thảo luận