'Không có chi' - câu nói 'thương hiệu' của thầy Lê Ngọc Thạch được thầy diễn giải cặn kẽ hơn khi bằng khen của UBND TP.HCM được ủy nhiệm cho Thành Đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ trao đến thầy.

'Bài toán' của thầy Thạch  第1张

Thừa ủy quyền, phân công của UBND TP.HCM, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải đã trao bằng khen cho GS.TS Lê Ngọc Thạch - Ảnh: AN VI

"Tôi áy náy khi nhận bằng khen này vì việc mình làm vừa qua chỉ là bổn phận một người dân bình thường. Với đồng bào miền Bắc, tôi chỉ là một người con trong đại gia đình người Việt; với những thiệt hại miền Bắc vừa phải chịu đựng, sổ tiết kiệm tuy lớn đối với tôi nhưng chỉ là một hạt cát, hạt muối..." - thầy Thạch nói.

Nếu có hãnh diện trong việc được khen này, tôi nghĩ, xem như mình đã góp phần vào tính chính danh trong việc phát triển bền vững của đất nước. Đó là tham nhũng làm sai thì bị trừng trị, góp phần xây dựng thì được khen. Nhân tố này càng phải được xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống để người dân ngày càng tin tưởng vào lẽ phải, điều tốt.

GS Lê Ngọc Thạch

Hàng chục năm đi cùng những cảnh đời khó khăn

Trong suốt mười mấy năm thầy Thạch tham gia những chương trình công tác xã hội với Tuổi Trẻ, lần duy nhất chúng tôi nghe thầy nói "như vậy thì đâu có được" là khi đề cập đến cuốn sổ tiết kiệm còn 8 ngày nữa đáo hạn của mình.

trao bang khen giao su Thach

8 ngày nữa đáo hạn, nhưng lòng thầy đang quá xót đau khi đọc những tin tức, xem những hình ảnh, thước phim từ vùng bị bão lũ, thiên tai. "Chờ 8 ngày thì đâu có được", và cuốn sổ tiết kiệm được thầy mang thẳng đến Tuổi Trẻ.

Tư liệu của Tuổi Trẻ ghi nhận thầy Lê Ngọc Thạch từng cùng các học trò mình mang phần thưởng của một cuộc thi khoa học đến tòa soạn vào đợt bão Haiyan 2013.

TIN LIÊN QUAN
  • 'Bài toán' của thầy Thạch  第2张

    Khen học sinh ủng hộ đồng bào bị bão lũ: Lòng nhân ái không thể đong đếm

  • 'Bài toán' của thầy Thạch  第3张

    Tin tưởng uy tín Tuổi Trẻ để gửi gắm ủng hộ đồng bào vùng bão lũ

Thầy đã đề nghị chia đôi số tiền: một nửa gửi đồng bào miền Trung, một nửa gửi đến người dân Philippines, "vì Philippines luôn phải oằn mình hứng bão sớm nhất, mạnh nhất trên biển Đông, gánh đỡ giúp Việt Nam những tàn phá khốc hại nhất của thiên tai".

Thầy Thạch, thông qua báo Tuổi Trẻ, cũng từng giúp đỡ bốn bé sinh tư Việt - Nam - Hạnh - Phúc ở Đồng Tháp khoản tiền sữa hằng tháng suốt 10 năm nay (từ 2014).

Thầy kể: "Năm ngoái, nhân một dịp công tác, tôi tìm đường vào nhà thăm các cháu, đã học tới lớp 6 rồi". Lại cũng thông qua Tuổi Trẻ, thầy gửi giúp con chị Lò Thị Phanh ở Sơn La suốt 8 năm nay (từ 2016)... Và còn nhiều việc nữa mà thầy bảo không nhớ hết.

Việc không thể không làm

Mang cuốn sổ tiết kiệm đến Tuổi Trẻ, với thầy Thạch, đó là việc thầy không thể không làm vì thầy luôn quan niệm: quan hệ giữa người với người là phải yêu thương, trong hoàn cảnh ngặt nghèo là phải chia sẻ, như là kết quả tất yếu của một phản ứng hóa học hữu cơ mà thầy là một chuyên gia hàng đầu vậy.

"Số tiền tiết kiệm ấy tôi cũng đã có dự định cho một vài kế hoạch cá nhân và chương trình thiện nguyện khác, nhưng giờ dùng cho việc này rồi, tôi lại sẽ lên kế hoạch để tiết kiệm trở lại. Chỉ mong có nhiều sức khỏe để tiếp tục, tôi còn lương hưu, còn đi dạy, còn viết sách (giáo trình, bài tập hóa học hữu cơ - PV) được nên còn sức khỏe thì vẫn còn có thể kiếm được tiền để tiếp tục chia sẻ" - thầy Thạch nói tiếp với nụ cười rất hiền.

Thầy từng đóng góp học bổng học sinh cùng các đồng môn ở trường Petrus Ký, nào đóng góp phục vụ quán cơm 2000, nào viếng thăm những cơ sở từ thiện, đóng góp cho các chương trình, nhân vật trên Tuổi Trẻ... Và hôm nay, thầy vẫn tính những kế hoạch thiện nguyện từ thu nhập ở tuổi hưu của mình.

"Những chương trình xã hội mà Tuổi Trẻ làm được từ bao năm nay chính là nhờ ở sự tin tưởng và ủy nhiệm của những bạn đọc như giáo sư Lê Ngọc Thạch", ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nhấn mạnh.

Đợt bão số 3 này cũng vậy, nhiệm vụ của Tuổi Trẻ là đưa tin vừa nhanh chóng lại vừa chính xác, vừa tổng hợp lại vừa cảm xúc, chuyển tải nối liền tình cảm của bà con miền Nam với hoàn cảnh ngặt nghèo của đồng bào miền Bắc.

Câu chuyện của thầy Thạch đã đóng một vai trò xúc tác mạnh mẽ trong dòng chảy thông tin ấy, nung nóng thêm nhiệt tâm của người làm báo cũng như của các nhà hảo tâm.

"Tuổi Trẻ đã xác định trọng tâm đóng góp của mình vào cuộc tái thiết các địa phương bị thiệt hại do bão lũ là sửa sang trường lớp - chăm sóc việc học hành của học sinh - công tác giảng dạy của thầy cô giáo. Tuổi Trẻ cảm ơn thầy Thạch đã và luôn tin tưởng. Tuổi Trẻ cũng tự tin mình xứng đáng với sự ủy nhiệm ấy", ông Lê Xuân Trung bày tỏ.

Sáng 27-9-2024, tại trụ sở báo Tuổi Trẻ, Thành Đoàn TP.HCM và đại diện báo Tuổi Trẻ đã thừa ủy nhiệm của UBND TP.HCM, trao đến giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Thạch bằng khen của chủ tịch UBND TP.HCM vì "nghĩa cử cao đẹp, tạo sự lan tỏa đóng góp giúp nhân dân vùng bão lũ tại miền Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra" của thầy.

Ông Ngô Minh Hải, bí thư Thành đoàn TP.HCM, khẳng định: "Việc làm của giáo sư (đóng góp toàn bộ số tiền tiết kiệm 1 tỉ đồng cho các chương trình tái thiết giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 - PV) đã tạo được cảm hứng mạnh mẽ về sự chia sẻ trong xã hội trong hoàn cảnh ngặt nghèo, lan tỏa được lối sống nghĩa tình truyền thống của người dân thành phố.

Sự đóng góp của giáo sư và người dân sẽ được đưa đến đúng nơi, sử dụng đúng mục đích, và mong giáo sư sẽ tiếp tục đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ và thành phố trong những hoạt động ý nghĩa, nhân văn sắp tới".