TP HCMBé trai 4 tuổi nặng 60 kg, ho sốt, nhập viện thở nặng nhọc, lơ mơ, bác sĩ chẩn đoán nguy kịch do cúm A/H1 (còn gọi cúm lợn).

Bé được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cấp cứu cuối tháng trước tình trạng nhịp thở nhanh 50 lần/phút, lồng ngực co kéo, môi tím, nồng độ oxy máu tụt sâu, huyết áp tụt. Bác sĩ đặt nội khí quản, thở máy thông số cao, truyền dịch chống sốc và thêm thuốc trợ tim mạch nhằm nâng huyết áp lên mức an toàn.

Sau một giờ, huyết áp bé tăng song nồng độ oxy máu cải thiện rất chậm. Các bác sĩ nhận định bé viêm phổi nặng diễn tiến nhanh tới suy hô hấp gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Bệnh nhi được lọc máu để loại bỏ các chất gây viêm dẫn đến hội chứng này, truyền kháng sinh, uống thuốc kháng siêu vi cúm.

Kết quả xét nghiệm PCR mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H1 (chủng pdm 2009). Sau một ngày điều trị tích cực, tình trạng oxy trong máu ổn định, bé được giảm các thông số máy thở cũng như giảm liều thuốc hỗ trợ tim mạch. Một tuần sau, bé tỉnh táo, ngưng lọc máu, ngưng máy thở, được tập vật lý trị liệu phục hồi vận động và hô hấp trước khi xuất viện.

Bé trai 4 tuổi béo phì suýt chết vì cúm  第1张

Bệnh nhi trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người mẹ cho biết bé tăng cân nhanh chóng trong vòng 6 tháng qua, từ 25 kg lên 60 kg trong khi cao 120 cm, chỉ số khối cơ thể hơn 41 kg/m2. Béo phì khiến bé hạn chế vận động, gặp khó khăn khi ngủ. Bé chưa được tiêm ngừa cúm. Hai bé khác trong gia đình cũng ho, sốt tương tự em bé này, song tự khỏi.

Béo phì là một trong những yếu tố tiên lượng nặng khi mắc cúm. Bệnh nhân béo phì nhiễm cúm có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh, cần điều trị tích cực, kịp thời. Do đó, phòng ngừa cúm ở trẻ béo phì rất quan trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người cần tiêm ngừa cúm, đặc biệt nhóm nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người béo phì, suy dinh dưỡng, hen suyễn, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải (HIV/AIDS, dùng corticoid kéo dài, đang điều trị ung thư...), phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già trên 65 tuổi.

Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi tiêm theo liệu trình hai mũi, gồm mũi một là lần tiêm đầu tiên, mũi hai cách mũi một ít nhất 4 tuần và tiêm nhắc hàng năm.Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn tiêm một mũi duy nhất và nhắc lại hằng năm.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm A/H1 chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa lưu hành hiện nay. Chủng cúm này còn được gọi là cúm lợn vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng nguồn gốc từ lợn, khác với chủng cúm A/H1N1.

Cúm A/H1 bùng phát mạnh vào năm 2009 và có tốc độ lây lan rất nhanh. Hiện nay, cúm này dễ dàng lây từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, nhưng người nhiễm cúm A/H1 hay virus cúm mùa khác có thể bị bội nhiễm, viêm phổi, nặng thì suy đa tạng, tử vong nếu kèm bệnh mạn tính. Thế giới mỗi năm ghi nhận hàng trăm nghìn trường hợp tử vong do cúm.

Hồi tháng 5, bé gái 3 tuổi, viêm phổi do cúm A/H1, biến chứng suy hô hấp nặng, được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố can thiệp ECMO cứu sống.

Lê Phương