Sau lũ lụt, nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như lỵ, thương hàn và tiêu chảy tăng cao. Bác sĩ khuyên người dân cần chú ý các bệnh liên quan đến đường ruột.

Bạn đọc hỏi sau lũ hay gặp những bệnh truyền nhiễm nào, cách tránh?  第1张

Có nguồn nước sạch là yếu tố vô cùng quan trọng sau lũ lụt để ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật - Ảnh: Tư liệu TTO

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Khi bão lũ xảy ra gây ô nhiễm về môi trường làm vi rút, vi khuẩn phát sinh, phát triển khiến bệnh truyền nhiễm gia tăng.

  • Bạn đọc hỏi sau lũ hay gặp những bệnh truyền nhiễm nào, cách tránh?  第2张

    Sau bão lũ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, người dân phòng tránh như thế nào?ĐỌC NGAY

Sau bài viết "Sau bão lũ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, người dân phòng tránh như thế nào?", nhiều bạn đọc tiếp tục mong muốn có thêm nhiều gợi ý để chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.

Bạn đọc tài khoản Thu Thuy góp ý: "Chính quyền, ngành y tế địa phương cần lưu ý vấn đề dịch bệnh sau bão lũ cho dân. Nếu không nhân dân còn tiếp tục thiệt hại nhiều nữa. Thiệt hại về sức khỏe vẫn là thiệt hại đáng lo nhất".

Nhằm góp thêm góc nhìn, dưới đây là chia sẻ của ThS Phạm Thanh Bình - Bệnh viện Quân y 175 - về các vấn đề như bệnh truyền nhiễm có thể do lũ lụt gây ra và một số lời khuyên sức khỏe sau khi người dân trở về nhà.

Nguy cơ bệnh truyền nhiễm, cách phòng

Lũ lụt làm gia tăng nguy cơ bùng phát nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Nguy cơ lớn nhất đến từ các vi sinh vật gây bệnh trong nguồn nước bị ô nhiễm, thường gặp như tiêu chảy, bệnh tả, bệnh lỵ, thương hàn.

Sau lũ, môi trường sống bị tàn phá cũng làm vi sinh vật sinh sôi nhanh chóng, dễ gây ra bệnh đường ruột và lây truyền qua tiếp xúc, thực phẩm thường ngày.

Việc tiêu thụ đồ sống và thực phẩm lạnh tiện lợi, lại càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, phòng chống các bệnh đường ruột trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch sau thiên tai.

Do đó, người dân không nên ăn thực phẩm sống, nguội, lạnh và không uống nước chưa qua xử lý hoặc kiểm tra.

Bác sĩ cũng lưu ý nước từ giếng, suối, dù trong và sạch cũng không nên uống trực tiếp vì có thể chứa vi khuẩn. Nước uống chỉ nên được sử dụng sau khi qua kiểm nghiệm và khử trùng an toàn.

Thực phẩm cần được nấu chín kỹ và bảo quản ở nơi sạch sẽ. Tránh ăn thực phẩm sống, tái hoặc không rõ nguồn gốc, để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ thực phẩm ô nhiễm.

Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch, cần tập trung theo dõi và giám sát chặt chẽ những triệu chứng liên quan đến bệnh đường ruột, bao gồm: sốt, tiêu chảy, nôn mửa, vàng da, viêm kết mạc.

Các cơ sở y tế cần tái hoạt động sớm nhất có thể để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, đồng thời nhanh chóng phát hiện và xử lý các ổ dịch nghi ngờ.

Khôi phục hệ thống nước sạch, vệ sinh nhà cửa

Nước sạch là yếu tố vô cùng quan trọng sau lũ lụt để ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật. Khôi phục hệ thống cấp nước sạch và xử lý ô nhiễm cần được ưu tiên để đảm bảo nguồn nước an toàn cho người dân.

Lũ lụt đã làm hư hỏng nhiều hệ thống giếng nước tự cung ở các vùng núi, làm nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cơ quan chức năng tiến hành sửa chữa, khử trùng các giếng nước và kiểm tra độ an toàn trước khi cho phép sử dụng.

Tuy nhiên, quá trình khắc phục này sẽ cần thời gian, vì vậy người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng tạm thời cần được cung cấp nước sạch từ các nguồn nước đóng chai và trạm cấp nước di động.

Khi người dân trở về nhà sau khi lũ rút, việc vệ sinh và khử trùng môi trường sống là rất quan trọng. Cần mở cửa thông gió, loại bỏ bùn đất, nước đọng, rác thải và tiến hành khử trùng các khu vực bị ô nhiễm.

Thực phẩm trong tủ lạnh bị hư hỏng do mất điện lâu ngày và các loại rau quả ngâm nước nên được loại bỏ ngay để tránh ngộ độc.

Trong quá trình dọn dẹp, người dân cần đeo găng tay, thực hiện các biện pháp bảo vệ và giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Không nên ăn thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ và luôn rửa tay trước khi ăn.

Lời khuyên từ bác sĩ

Người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng bão lũ cần chú ý theo dõi sức khỏe của mình. Nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban và các triệu chứng khác, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hãy thông báo chi tiết cho bác sĩ lịch sử tiếp xúc, chế độ ăn uống để giúp bác sĩ xác định nguy cơ bệnh truyền nhiễm.

Trong giai đoạn sau lũ, cơ thể người dân dễ bị suy giảm miễn dịch do điều kiện sống ảnh hưởng, môi trường ẩm thấp, và thói quen vệ sinh khó duy trì.

Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, tuân thủ lịch trình sinh hoạt hợp lý và đảm bảo sức khỏe là rất cần thiết. Người dân cần có sự cảnh giác cao độ và tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan y tế để vượt qua giai đoạn khó khăn này và tái thiết cuộc sống sau thiên tai.

Với tinh thần hợp tác và ý thức bảo vệ sức khỏe, mong mọi người sẽ sớm ổn định cuộc sống, chúng ta hãy cùng nhau vượt qua khó khăn!