Với chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho trẻ em DTTS được đến trường, nhiều học sinh thuộc các trường dân tộc nội trú được miễn học phí và hưởng chính sách học bổng…
Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến quyền học tập của người dân, trong đó có quyền học tập của người dân tộc thiểu số. Với sự quan tâm đặc biệt đối với vùng DTTS, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo cũng như mở ra “cách cửa” thay đổi tương lai cho trẻ em DTTS.
Hiện nay có khoảng 50 văn bản từ luật đến quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTS và miền núi. Thể hiện trong Hiến pháp và hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học...
Ngoài ra, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước ban hành, như nhóm chính sách về nội dung, chương trình giáo dục; nhóm chính sách phát triển mạng lưới, quy mô các trường chuyên biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhóm chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số; nhóm chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhóm chính sách ưu tiên đối với người học là người dân tộc thiểu số... Bên cạnh các chính sách của Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh có học sinh dân tộc thiểu số còn ban hành các chính sách hỗ trợ riêng từ ngân sách tỉnh.
Với chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho trẻ em DTTS được đến trường, nhiều học sinh thuộc các trường dân tộc nội trú được miễn học phí và hưởng chính sách học bổng…Bên cạnh đó còn có những căn cứ pháp lý quan trọng có ý nghĩa thiết thực trong thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo vùng DTTS như: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) nhấn mạnh “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách...”.
Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo… Tiến tới phổ cập trung học phổ thông gắn với phân luồng trong giáo dục. Giảm tỷ lệ mù chữ, bỏ học ở miền núi”…
Với chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho trẻ em DTTS được đến trường, nhiều học sinh thuộc các trường dân tộc nội trú được miễn học phí và hưởng chính sách học bổng… Thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ, tính riêng năm 2021, học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ 3.446 tỷ đồng. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp bình quân mỗi năm học khoảng 68.556 tấn gạo để hỗ trợ cho học sinh bán trú.
Hiện nay, 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trong đó 84,6% trường và lớp học được xây dựng kiên cố, không còn tình trạng “xã trắng” về giáo dục, các lớp mẫu giáo cũng bước đầu được hình thành và phát triển ở các xã vùng cao; 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; các trung tâm giáo dục thường xuyên được thành lập ở các tỉnh và huyện; trung tâm học tập cộng đồng được thành lập ở hầu hết các xã(2), tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận với kiến thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một được các địa phương chú trọng, quan tâm.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 7-2017 đến tháng 7/2022, đã có 104.219 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên của 16 DTTS có dân số dưới 10.000 được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9-5-2017 của Chính phủ. Những chính sách trên đã tạo tiền đề, là cơ sở quan trọng để nâng bước trẻ em vùng DTTS đến trường; gỡ bỏ phần nào gánh nặng về kinh tế cho các hộ dân, tạo cơ hội cho các em được đi học.
Bên cạnh đó, hệ thống điện, đường giao thông mới đã được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Đến nay, hầu hết các xã vùng núi cao đã có đường trải nhựa chạy đến trung tâm của xã; mạng lưới quốc gia đã được bao phụ rộng khắp, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đến 99% các hộ dân vùng đồng bào DTTS.
Cơ sở vật chất, hệ thống trường từ cấp tiểu học đến THPT được quan tâm, xây dựng khang trang với trang thiết bị đạt tiêu chuẩn phục vụ học tập. Tính đến tháng 9/2021, Đề án củng cố, phát triển các trường PTDT nội trú, các tỉnh, thành phố đã nâng cấp được 935 phòng học thông thường và bộ môn; 631 phòng phục vụ học tập, giáo dục; 2.875 phòng nội trú, 219 công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh…
Tính đến hết năm học 2019-2020, toàn quốc có 325 trường PTDT nội trú ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với gần 106 nghìn học sinh; có 1.124 trường PTDT bán trú với hơn 237 nghìn học sinh. Hệ thống 1.097 trường PTDT bán trú được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô gần 186 nghìn học sinh. 15,2% số trường PTDT bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%, cấp trung học cơ sở đạt 92%. Đối với hệ thống trường dân tộc nội trú, hiện toàn quốc có 318 trường dân tộc nội trú với 102.757 học sinh.
Cùng với đó, giáo viên người dân tộc và giáo viên biết tiếng dân tộc được đặc biệt quan tâm, thực hiện các chính sách ưu đãi về phụ cấp, tăng thu nhập, bảo đảm điều kiện sống và làm việc. Điều này cũng tạo nên điều kiện để trẻ em DTTS được tiếp cận giáo dục và học tập tốt hơn. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ giáo viên DTTS và miền núi đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ 98,07%. Thực hiện Quyết định số ngày 1625/QĐ-TTg ngày 11-9-2014 Chính phủ, đã chi 5.370 tỷ để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn từ 2014-2020. Tính đến 30/6/2019, đã giải ngân 83,76% tổng số vốn được giao, hoàn thành đưa vào sử dụng 6.795 phòng học.
Đăng thảo luận