CEO Apple sử dụng "chiêu độc" để giữ chân nhân tài và các lãnh đạo cao cấp
(Dân trí) - CEO Tim Cook của Apple đã sử dụng một chiến thuật đặc biệt nhằm giữ chân những lãnh đạo cao cấp, đó là trả cho họ một mức lương cao mà không đòi hỏi phải làm quá nhiều công việc.
Apple hiện là tập đoàn có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, với vốn hóa ước tính đạt 3,39 nghìn tỷ USD. Do vậy, Apple không hề thiếu tiền, đó là lý do "quả táo" đã sử dụng một cách thức đặc biệt để giữ chân người tài và các lãnh đạo cao cấp.
Theo thông tin được tiết lộ bởi Mark Gurman - phóng viên của hãng tin Bloomberg, người thường theo dõi và tiết lộ các thông tin thú vị về nội bộ của Apple - thì CEO Tim Cook đã chi ra khoản lương hậu hĩnh để giữ chân các lãnh đạo cao cấp muốn rời bỏ công ty nhằm duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào Apple.
Mark Gurman cho biết mọi chuyện bắt đầu vào cuối năm 2011, cụ thể là 6 tuần sau khi Steve Jobs qua đời. Vào thời điểm này, Tim Cook đã kế nhiệm Steve Jobs cho chiếc ghế CEO của Apple.
CEO Tim Cook có những chiến lược để điều hành công ty và giữ chân các nhân tài giúp Apple vươn lên vị thế hãng công nghệ hàng đầu thế giới (Ảnh: Getty).
Với những gì Steve Jobs đã làm được tại Apple, dĩ nhiên Jobs đã để lại một cái bóng rất lớn khiến Tim Cook rất khó để vượt qua vào thời điểm đó. Đây có lẽ là lý do nhiều lãnh đạo cao cấp của Apple đã muốn rời bỏ công ty để đi tìm những thử thách mới.
Không lâu sau khi Jobs qua đời, Bob Mansfield, Phó chủ tịch phụ trách phần cứng tại Apple, người đã gắn bó với công ty từ năm 1999, muốn rời đi. Tim Cook lo ngại rằng việc một lãnh đạo cao cấp rời bỏ công ty không lâu sau khi Steve Jobs qua đời sẽ khiến các cổ đông hoang mang, làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Apple.
Vì vậy, Tim Cook đã thuyết phục Mansfield ở lại thêm một thời gian để đổi lại một khoản tiền lương hậu hĩnh. Mark Gurman cho biết Bob Mansfield sau đó chấp nhận ở lại Apple, nhận mức lương cao mà hầu như không phải làm việc gì, cũng như không phải tham gia vào các dự án lớn của Apple.
Bob Mansfield tiếp tục ở lại Apple cho đến năm 2020, khi ông tuyên bố nghỉ hưu và rời khỏi làng công nghệ.
Tim Cook đã áp dụng chiến lược tương tự vào năm 2015, khi Jony Ive, nhà thiết kế huyền thoại của Apple, muốn rời khỏi công ty. Jony Ive được coi là nhân vật quan trọng thứ hai tại Apple, sau Steve Jobs, người đã chịu trách nhiệm thiết kế những sản phẩm mang tính biểu tượng của công ty như iMac, iPod, iPhone, iPad, MacBook Air, Apple Watch…
Việc một nhân vật như Jony Ive rời khỏi Apple chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Do vậy, Tim Cook cũng đã chấp nhận trả cho Jony Ive một mức lương hậu hĩnh, dù Ive không cần phải làm quá nhiều việc cũng như không tham gia các dự án quan trọng của Apple.
Cuối cùng, Jony Ive vẫn rời khỏi Apple vào năm 2019 để thành lập công ty riêng. Nhưng phía Apple vẫn cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với công ty của Ive để thiết kế và phát triển sản phẩm, như một cách để trấn an người dùng và các nhà đầu tư.
Theo Gurman, Tim Cook cũng đã áp dụng chiến thuật này với Phil Schiller, một trong những giám đốc cao cấp gắn bó với Apple từ năm 1987, phụ trách Tiếp thị toàn cầu.
Vào năm 2020, Schiller rời vị trí Phó Chủ tịch cấp cao của Apple, nhưng tiếp tục làm việc tại công ty với vai trò "Apple Fellow," một chức danh dành cho những nhân viên có đóng góp đáng kể và dài hạn tại công ty. Gurman cho biết Schiller vẫn nhận được mức lương cao tại Apple nhưng lại không phải làm quá nhiều công việc tại đây.
Hiện tại, Tim Cook vẫn sử dụng chiến lược này để giữ chân các nhân tài và lãnh đạo cao cấp. Ví dụ mới nhất là Giám đốc tài chính Luca Maestri, người sẽ rời khỏi công ty vào năm 2025. Sau khi rời khỏi Apple, Maestri vẫn được nhận mức lương cao trong vai trò cố vấn và đưa ra những lời khuyên cho Tim Cook.
Apple không hề thiếu tiền và đó là lý do Tim Cook có thể giữ chân những nhân tài và người thân tín của mình bằng những khoản lương hậu hĩnh, điều này sẽ giúp Apple hoạt động ổn định, không bị xáo trộn trong trường hợp các lãnh đạo cao cấp rời đi và phải thay thế bằng người mới.
Theo Bloomberg/Dtrends
Đăng thảo luận