TP HCMBị béo phì với các chỉ số ba vòng đều trên 100, Hùng, 23 tuổi, nhiều lần quyết tâm cắt giảm đồ ngọt nhưng thất bại, khiến anh mắc thêm bệnh trầm cảm.

Chàng trai có cân nặng 110 kg, số đo ba vòng đều trên 100, đặc biệt là vòng bụng 120 cm, mức BMI 36, béo phì nặng, trong khi BMI người bình thường khoảng 18,5-23. (Body Mass Index - chỉ số khối cơ thể dùng để xác định tình trạng một người có bình thường hoặc suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì). Khi kiểm tra, bác sĩ cho biết anh bị tiền đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, gan nhiễm mỡ.

Bệnh nhân chia sẻ bị nghiện ăn đồ ngọt từ nhỏ, món khoái khẩu là bánh mì tẩm đường, sữa đặc. Hùng từng gặp nhiều bác sĩ về giảm cân, sử dụng thuốc, tuy nhiên sau mỗi lộ trình điều trị, cân nặng chỉ giảm thời gian đầu, sau đó anh lơ đễnh, không cưỡng lại đồ ngọt, dẫn đến béo trở lại. Nhiều lần bị miệt thị ngoại hình, chàng trai tự ái, bực dọc, stress, từ bỏ việc giảm cân và càng ăn nhiều hơn.

Đỉnh điểm đầu năm 2024, các số đo ba vòng kèm cân nặng đều trên 100, chàng trai xuất hiện các dấu hiệu buồn bã, sống thu mình, không giao tiếp, nhiều lúc tự làm đau bản thân để giải tỏa. Khi đi khám tâm lý, bác sĩ chẩn đoán trầm cảm.

Đây là một trong nhiều bệnh nhân của bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe. Khi đến khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị nghiện đồ ngọt trầm trọng, tuy đã điều trị nhưng không giải quyết được "phần gốc" là tâm trạng, cảm xúc, dẫn đến khi dừng thuốc hoặc dừng liệu trình, cân nặng lại tăng hơn bình thường.

Bác sĩ Tân áp dụng một số biện pháp tâm lý nhằm ổn định năng lượng, sau đó đưa ra các phương pháp giảm thèm ngọt, kèm chiến thuật tâm lý, mục đích để Hùng không cảm thấy quá khó thực hành, kèm theo thường xuyên dành lời khen và động viên chàng trai.

Trường hợp khác là Hoa, 30 tuổi, chỉ số BMI 26,7, béo phì kèm bệnh nền tăng huyết áp, đặc biệt chỉ số vòng bụng đạt gần 100, được bác sĩ chẩn đoán béo phì trung tâm, nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa, dẫn đến mắc các bệnh tim mạch.

Người phụ nữ nghiện việc, một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng và thường xuyên trong trạng thái stress. Chị chia sẻ mỗi khi căng thẳng, bản thân lại có nhu cầu ăn đồ ngọt, "nếu không sẽ vô cùng bức bối, không thể tập trung".

Mỗi ngày, cô uống 2-3 ly cà phê sữa, kèm theo 3-4 bát cơm trắng mỗi bữa, bánh ngọt, nước ngọt có ga và sữa nhiều đường. "Việc ăn đồ ngọt dường như lại càng làm kích thích cơn thèm nên một khi đã ăn là rất khó dừng lại", Hoa nói.

Thời gian bận rộn nên người phụ nữ cũng thường xuyên ăn hàng quán với các thực phẩm ngọt, không lành mạnh. Bác sĩ nhận định ở hai trường hợp này, việc điều trị cần lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm thay đổi bản thân rất lớn.

Chật vật cai đường  第1张

Thực phẩm nhiều đường luôn có sức hấp dẫn với mọi người. Ảnh minh họa: Bùi Thủy

Thực phẩm ngọt với hàm lượng đường cao luôn có sức hấp dẫn với phần lớn mọi người. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bản chất các loại đồ ngọt như kẹo, bánh, trái cây, nước ngọt... đều chứa rất nhiều đường - một trong những nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể.

Người nghiện đường thường ở trong tình trạng cực kỳ thèm ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột hoặc có vị ngọt, khi không được cung cấp thì cơ thể có cảm giác mệt mỏi, uể oải. Nếu ngưng hoặc giảm lượng đường cung cấp cho cơ thể một cách đột ngột, họ có thể cảm thấy buồn rầu, đau đầu, giảm sự tập trung.

Bác sĩ Tân cho biết thèm ngọt có nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là khi gặp căng thẳng, giống như một phản xạ không điều kiện ở con người. Khi nạp đồ ngọt sẽ giúp "xoa dịu" một phần lượng hormone căng thẳng đang tăng lên, làm tăng dopamine (hormone hạnh phúc), kéo theo cảm giác thèm đường, tạo thành vòng luẩn quẩn.

Các chuyên gia nhìn nhận định lạm dụng đồ ngọt gây nhiều nguy hại sức khỏe, dễ thấy là thừa cân, béo phì. Nhiều trường hợp chật vật giảm cân bằng nhiều phương pháp, nhưng không giải quyết được "phần gốc" chính là tâm trạng. Khi "tụt mood", năng lượng thấp, họ lại có xu hướng ăn đồ ngọt, khiến việc giảm cân thất bại.

Ăn nhiều đường còn vượt quá khả năng chuyển hóa của cơ thể, dẫn đến tăng đường trong máu, gây các bệnh về rối loạn chuyển hóa. Lượng đường dư thừa sẽ tích lũy dưới dạng mỡ dự trữ trong cơ thể, lâu dài nguy cơ tiểu đường, huyết áp, tim mạch.

Trẻ nhỏ uống nước ngọt có ga hàng ngày dễ dẫn tới lười ăn, không chịu ăn trong các bữa chính, gây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng. Đường trong nước ngọt kích thích giải phóng dopamine, chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não, khiến trẻ cảm thấy vui vẻ lúc đó, song về lâu dài sẽ bị lệ thuộc, nghiện loại thức uống này. Ngoài ra, trẻ nhỏ béo phì còn tăng nguy cơ dậy thì sớm.

Chật vật cai đường  第2张

Trà sữa nhiều đường là một trong những thực phảm gây béo phì, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh: Time Out

Bác sĩ Tân đưa ra một vài cách để giảm đồ ngọt, như sau: Đầu tiên, uống nước, hít thở sâu, đứng lên đi lại, vận động. Bạn có thể ăn những thực phẩm thay thế như trái cây không ngọt hoặc chua, hạt dinh dưỡng, nước ép, sinh tố; các loại tạo ngọt bằng đường la hán quả hoặc chà là; "bánh healthy" như bánh hạnh nhân, thanh protein bar, bánh yến mạch chuối chà là, bánh bicostti.

Nếu thèm trà sữa, bánh kẹo ngọt, bạn có thể chọn loại ít đường hơn, kích thước nhỏ, tập trung cảm nhận 1-2 miếng đầu tiên, nhâm nhi, sau đó cân nhắc bỏ.

Bên cạnh đó, thời điểm ăn rất quan trọng. Bạn nên ăn ngay sau bữa chính, bởi trước đó đã hấp thụ protein, xơ nên sẽ giảm tốc độ hấp thu đường. Ăn đồ ngọt cùng các loại trái cây, đồ ăn kèm giàu xơ, chất béo để làm chậm tốc độ hấp thu.

WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn dưới 25 g đường một ngày (kể cả uống), bằng một nửa so với mức trung bình một người Việt ăn hiện nay. Người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào cơ thể hàng ngày. Tỷ lệ này nếu dưới 5%, tương đương 25 g hoặc 5 muỗng cà phê, sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Trẻ em dưới hai tuổi không nên dùng bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Thúy Quỳnh