Hà Nội đã "thay da đổi thịt"
Sau 70 năm giải phóng Thủ đô và hơn 15 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, diện mạo đô thị Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cả nước.
Nhìn nhận về sự phát triển của kinh tế Hà Nội từ những dấu mốc quan trọng này, trao đổi với bạn đọc Báo Kinh tế & Đô thị tại cuộc Tọa đàm được tổ chức ngày 25/9, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: Kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm trước và từ khi có Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, tính đến hôm nay được 16 năm 2 tháng, Thủ đô đã có sự thay đổi một cách toàn diện, có thể nói là đột biến, thay da đổi thịt. Điều này không chỉ người Hà Nội mà cả bạn bè trong khu vực phải thừa nhận.
Những năm qua, bình quân tăng trưởng GDP của Hà Nội luôn cao hơn mức chung của cả nước, luôn là địa phương dẫn đầu về kinh tế theo đúng như mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị. Đáng chú ý, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, từ việc ăn, ở cho tới học hành, vui chơi giải trí… Số thu ngân sách tăng lên hàng năm, có những năm tăng cao hơn cả số thu của TP Hồ Chí Minh. Cơ cấu kinh tế thay đổi hoàn toàn: tỷ lệ thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, tỷ lệ nông nghiệp thu hẹp lại. Nếu trước đây, nhắc đến kinh tế Hà Nội là người ta hay nhắc đến cốm Vòng, đào Nhật Tân… thì nay lại nghĩ ngay đến những vùng kinh tế của Thủ đô.
PGS.TS Bùi Thị An tham gia giao lưu tại Tọa đàm trực tuyến ''Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững'' do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp các đơn vị tổ chức.“Kinh tế phát triển đã góp phần đưa hạ tầng xã hội thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, ngay cả những huyện vùng xa như Phúc Thọ, Ba Vì… thì ô tô có thể vào tận cửa. Và nhìn ngược lại có thể thấy, chính sự phát triển của hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quan trọng góp phần làm cho kinh tế Thủ đô phát triển.
Song song đó, hạ tầng giáo dục, hạ tầng văn hóa, hạ tầng y tế… cũng đều có những thay đổi đột phá. TP Hà Nội hiện đã có tới 2.000 trường học các cấp. Cùng với đó, an sinh xã hội của Thủ đô Hà Nội cũng có những điểm nhấn trong phát triển” - PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.
Chuyên gia này cho rằng, chính nhờ có sự nỗ lực không ngừng của Nhân dân Hà Nội, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, đã đưa Thủ đô Hà Nội có những bước tiến xa, vững chắc. Mặc dù vậy, chúng ta chưa thể tự hài lòng với những gì đang có, Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn
Đáng chú ý, PGS.TS Bùi Thị An đã có chia sẻ thẳng thắn về những giải pháp góp phần đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững trong thời gian tới. Theo đó, với vai trò là một người đã đầu tư nhiều công trình nghiên cứu và quan sát thực tiễn về nguồn tài nguyên môi trường của Hà Nội, chuyên gia này cho rằng, xu thế phát triển kinh tế bền vững là xu thế tất yếu của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển - đã là xu thế thì chúng ta không thể đi ngược lại. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế bền vững có kinh tế xanh là một giải pháp (giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh…); là Thủ đô mà không sử dụng giải pháp này thì không thể phát triển.
Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, trong kinh tế xanh có một phần quan trọng là kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn giờ đã có sự thay đổi, đó là có sự “vòng lại” để tiết kiệm nguyên liệu, tái sản xuất, khi việc tiết kiệm những nguyên liệu không thể tái tạo được có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay.
PGS.TS Bùi Thị An đề xuất TP Hà Nội nên đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể để khuyến khích nhiều người tham gia vào kinh tế tuần hoàn.PGS. TS Bùi Thị An khẳng định, kinh tế tuần hoàn là một bộ phận có đóng góp rất lớn trong kinh tế xanh. Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường đã đề cập vấn đề kinh tế tuần hoàn. Cùng với việc kinh tế tuần hoàn đã được luật hóa, thì những chủ trương, cơ chế chính sách chung cho lĩnh vực này cũng đều đã có, nên giờ đây thực hiện như thế nào, nhất là thực hiện Luật Thủ đô ra sao, chính là trách nhiệm của chúng ta.
Từ đó, chuyên gia này đề xuất, cơ chế riêng của Thủ đô cho phát triển kinh tế tuần hoàn phải được nêu ra cụ thể; cần tạo được môi trường thuận lợi hơn về thuế, về đất, nhất là cơ chế tín dụng rất quan trọng, để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Như vậy, trước hết TP Hà Nội nên đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể để khuyến khích nhiều người tham gia vào kinh tế tuần hoàn, để tránh bớt rủi ro, bảo đảm được cuộc sống. Tiếp đó, TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thực hiện ra rao cũng rất quan trọng, trong đó cần có sự giám sát đối với từng công đoạn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Vì thế, “tôi kiến nghị lãnh đạo TP Hà Nội trong công tác chỉ đạo phát triển kinh tế tuần hoàn nên coi trọng khâu kiểm tra, đôn đốc, giám sát; nếu đang thể hiện có bất cập thì phải điều chỉnh. Trong từng giai đoạn cần có đánh giá để điều chỉnh về cơ chế chính sách cho kinh tế tuần hoàn, không chỉ định kỳ mà có thể bất chợt, trong giao ban của TP… có đánh giá để điều chỉnh về mục tiêu trong giai đoạn mới.
Trong vòng 80 năm tới, Hà Nội sẽ có phát triển đột phá, đặc biệt đặt mục tiêu phát triển bền vững với kinh tế xanh và tất cả các lĩnh vực xanh. Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, chúng ta cần thực hiện tốt kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm ngân sách Nhà nước, nguyên vật liệu…” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Đăng thảo luận