Các quốc gia đang phát triển yêu cầu nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải hành động nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu khi nó không còn dừng lại là vấn đề môi trường.

'Các nước giàu hãy thôi nói suông về biến đổi khí hậu'  第1张

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước phát triển phải giải quyết vấn đề bất công khí hậu hôm 23-9 - Ảnh: INDEPENDENT

Theo Hãng tin Reuters, tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra ngày 23-9 ở Mỹ, các quốc gia đang phát triển đã yêu cầu các nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới hỗ trợ họ nhiều hơn trong việc đối phó với những khó khăn do các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu gây ra.

Các nhà lãnh đạo đến từ những quốc đảo nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì mực nước biển dâng cao khẳng định đã đến lúc các quốc gia sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất, nguyên nhân gây ra tình trạng nhiệt độ tăng cao, ngừng "nói suông" về vấn đề này.

“Tôi tự hỏi liệu các quốc gia khác có đang dần rời xa sự đoàn kết và lý tưởng đạo đức cần có để bảo vệ người dân hay không?”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Samoa, đồng thời giữ chức Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) Cedric Schuster chia sẻ.

Trong phiên họp, ông Schuster đã lên tiếng chỉ trích các nền kinh tế hàng đầu thế giới thuộc nhóm G20, nhóm các quốc gia phát thải hơn 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

“Chúng ta cần tất cả các nước, nhưng đặc biệt là những nước trong nhóm G20, giải quyết vấn đề cắt giảm khí thải và tài trợ cho các hoạt động liên quan đến khí hậu”, ông Schuster cho biết.

  • 'Các nước giàu hãy thôi nói suông về biến đổi khí hậu'  第2张

    Biến đổi khí hậu làm tăng tỉ lệ tự tử?ĐỌC NGAY

“Những người bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới đã quá mệt mỏi với những lời nói suông”, ông nói thêm.

Đại diện nhóm các quốc gia phát triển kém nhất, Bộ trưởng Khí hậu và Tài nguyên của Malawi Yusuf Mkungula cũng truyền tải thông điệp tương tự.

“Các quốc gia công nghiệp hóa phải dẫn đầu trong việc giải quyết vấn đề”, ông Mkungula khẳng định.

Những lời kêu gọi này nhấn mạnh sự chênh lệch ngày càng lớn giữa các quốc gia góp phần nhiều nhất vào quá trình Trái đất nóng lên và nhóm các quốc gia phải chịu hậu quả nặng nề từ đó, chứng minh biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề công lý toàn cầu.

“Các hiện tượng thời tiết bất thường đang xảy đến với chúng ta ngày một nhanh hơn và thường xuyên hơn”, Thủ tướng Bahamas Phillip Davis cho biết, đồng thời yêu cầu các quốc gia phát triển phải "giữ sự tập trung" vào vấn đề này.

Trong bài phát biểu khai mạc Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng yêu cầu các quốc gia phát triển phải chi trả cho những tổn thất và thiệt hại xảy ra ở các quốc gia nghèo hơn, đặc biệt khi họ đóng góp rất ít vào biến đổi khí hậu nhưng phải chịu đựng những tác động tồi tệ nhất.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Công ty Moody’s Ratings, các khoản đầu tư vào khí hậu trên toàn cầu đang thiếu hàng nghìn tỉ đô la so với mức cần thiết để đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng với các tác động khí hậu.