Gần đây, các bệnh viện ở TP Hà Nội tiếp nhận nhiều ca phỏng tay, hoại tử thực quản, dạ dày do uống nhầm, sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa.

Các bác sĩ đã gặp nhiều khó khăn khi cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân do rất khó xác định thành phần trong các sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi này.

Không thể biết được thành phần 

Ở “phố vật liệu xây dựng” Cát Linh (quận Đống Đa), các loại hóa chất công nghiệp được bày bán nhan nhản với đủ loại như tẩy rửa cặn vôi, tẩy rửa nhà vệ sinh, tẩy rửa dầu mỡ... 

Khi chúng tôi hỏi mua nước tẩy sàn, chủ một cửa hàng chỉ ra phía mặt tiền của cửa hàng, nơi xếp hàng chục can loại 5 lít và 1 lít tự chiết, trên can dán tờ giấy in đậm ghi “nước tẩy sàn đa năng” kèm các công dụng như tẩy sạch xi măng sau khi lát nền, tẩy bồn cầu, tẩy sơn, làm sạch các sản phẩm làm bằng gạch, men sứ. Trên giấy không có thành phần, thương hiệu, nhà sản xuất mà chỉ có dòng lưu ý: “Đeo găng tay cao su và kính mắt khi sử dụng”.

Giá 1 can hóa chất tẩy rửa 5 lít là 80.000 đồng, tính ra chỉ 16.000 đồng/lít. Cũng ở cửa hàng này, giá các sản phẩm có thông tin sản xuất, có thành phần, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng là 120.000 đồng/2 lít, tức 60.000 đồng/lít. 

Cẩn trọng khi mua, dùng chất tẩy rửa không rõ nguồn gốc  第1张 Các sản phẩm tẩy rửa không nhãn mác được bày bán nhan nhản trên phố Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội

Một cửa hàng hóa chất công nghiệp ở quận Từ Liêm bày bán rất nhiều sản phẩm tẩy rửa được quảng cáo nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, dùng để lau kính, lau sàn nhà, tẩy rửa can xi, tẩy rửa dầu mỡ, làm bóng, có bao bì đẹp. Người bán khẳng định, các sản phẩm này an toàn cho người dùng, có chất lượng vượt trội so với hàng “trôi nổi”. 

Đưa cho chúng tôi thùng dung dịch lau sàn gần 20 lít, giá hơn 900.000 đồng, người bán hàng cho hay, đây là sản phẩm được nhập từ Hàn Quốc, chuyên loại bỏ vi khuẩn trên sàn nhà, được dùng để vệ sinh bệnh viện, trường học, tòa nhà, khu căn hộ: “Chúng không có mùi như hàng giá rẻ và an toàn hơn rất nhiều”. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trên nhãn sản phẩm, chỉ toàn chữ Hàn Quốc, không có nhãn phụ nên không thể biết được thành phần.

Điều trị tốn kém và khó khăn 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, mới đây, trung tâm đã tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bàn tay đau đớn như bị côn trùng cắn sau khi dùng nước lau kính mua trên mạng. Trên sản phẩm không ghi thành phần nên có thể bệnh nhân không biết được sự nguy hiểm của hóa chất có trong đó. Có thể bệnh nhân đã bị nhiễm độc với hydro florua (HF), còn gọi là a xít flohydric. Đây là hóa chất rất độc, có tính chất ăn mòn, thậm chí có thể làm hòa tan kính, ăn mòn thủy tinh nếu dùng ở dạng đậm đặc. 

Một bệnh nhân đang được điều trị ở trung tâm chống độc trong tình trạng rất nặng là ông N.V.S. (huyện Chương Mỹ). Hiện ông chỉ có thể dùng tay để giao tiếp với người khác. Do uống nhầm hóa chất tẩy vôi vữa, xi măng, ông bị hoại tử toàn bộ vùng thực quản, dạ dày. Dù đã điều trị tích cực, nhưng các bác sĩ vẫn lo rằng, bệnh nhân có thể bị nguy hiểm tính mạng bất cứ lúc nào nếu bị thủng thực quản, dạ dày; nguy cơ ung thư dạ dày, thực quản của bệnh nhân cũng rất cao.

Khi đưa ông S. vào bệnh viện, gia đình mang theo hóa chất mà ông đã uống phải nhưng trên nhãn bao bì chỉ ghi địa chỉ bán hàng online, không có thông tin về đơn vị sản xuất cũng như thành phần hóa chất. Sản phẩm này được hướng dẫn pha loãng với nước hoặc có thể dùng đậm đặc để tẩy các mảng bám xi măng “cứng đầu”, khi dùng thì đeo găng tay và khẩu trang, đặt sản phẩm xa tầm với trẻ em. 

“Mỗi loại ngộ độc có cách xử lý khác nhau dựa trên loại hóa chất mà bệnh nhân đã uống hoặc tiếp xúc. Tuy nhiên, với trường hợp như trên, chúng tôi không thể xác định được ngay loại hóa chất. Việc xét nghiệm vừa gây tốn kém chi phí cho bệnh nhân, vừa nguy hiểm bởi phải tốn thời gian trong khi bệnh nhân cần được cấp cứu ngay” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Ông cảnh báo thêm: “Gần đây, rất nhiều người bị ngộ độc khi dùng sản phẩm được ghi nhãn bằng tiếng Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... Các sản phẩm này thường không có nhãn phụ nên không phải bác sĩ nào cũng dịch được, các phần mềm hỗ trợ dịch thuật trên mạng đôi khi cũng không chính xác nên việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn”.

Ông khuyên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng, người dân tuyệt đối không nên mua và sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần hóa học. Cần để các loại hóa chất này ở khu vực riêng, ở nơi xa tầm với của trẻ em; không san chiết chúng ra các loại chai nhựa, đặc biệt là các chai nước uống đã qua sử dụng để tránh uống nhầm. Trong trường hợp bị ngộ độc, nhiễm độc, khi đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế, người thân nên mang theo hình ảnh hoặc sản phẩm mà bệnh nhân đã sử dụng để các chuyên gia xem xét, nghiên cứu và sớm có biện pháp xử trí phù hợp. 

Theo Phụ nữ TPHCM