Hai nữ sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) đã đặt ‘Hòm thư gửi gắm’ và ‘Hòm thư thông điệp’ tại trường, để những bạn gặp vướng mắc tâm lý có thể gửi thư chia sẻ.
Hai học sinh Trần Ngọc Thanh Trúc và Nguyễn Thị Thanh Vy (học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM) thực hiện Hòm thư gửi gắm và Hòm thư thông điệp giúp bạn học gỡ rối tâm lý - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Hộp thư được đặt tại khu đọc sách phía sau hội trường A, là sáng kiến của hai học sinh Trần Ngọc Thanh Trúc và Nguyễn Thị Thanh Vy (học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM).
Gởi thư và nhận kẹo
Hai bạn cho biết hộp thư giúp bạn bè cùng trang lứa có thể tâm sự những vấn đề trong cuộc sống như chuyện gia đình, tình cảm bạn bè, việc học hoặc những câu chuyện khó nói của tuổi ô mai.
TP.HCM: đa dạng hóa các hình thức tư vấn tâm lý học sinh
Học sinh có thể gửi thư kèm thông tin liên lạc hoặc giấu tên. Những lá thư này được hai nữ sinh lọc lại và chuyển đến chuyên viên tham vấn tâm lý của trường.
Bạn Trần Ngọc Thanh Trúc chia sẻ: "Trước đó chúng tôi đã làm đề tài nghiên cứu Nhận thức của học sinh về tham vấn tham lý học đường. Nhận thấy đây là vấn đề được các bạn quan tâm, nên nhóm xây dựng Hòm thư gửi gắm và Hòm thư thông điệp.
Hai hòm thư này đi đôi với nhau. Các bạn sẽ bỏ thư vào hòm thư gửi gắm để chia sẻ những vấn đề đang gặp phải. Sau đó, người gởi sẽ nhận kẹo kèm một lá thư nhỏ ở hòm thư thông điệp. Việc này giúp các bạn được an ủi, có thêm niềm vui trong ngày và tiếp thêm năng lượng học tập".
Thanh Trúc cũng nói thêm: "Để tránh sự e ngại, nhóm sẽ không tiết lộ thông tin người gửi thư và cũng không ngồi ở đó để xem ai bỏ thư. Chúng tôi chỉ đặt hai hòm thư và để kẹo sẵn ở đó, trong tuần sẽ đến kiểm tra. Nếu các bạn không gửi thư cũng có thể ghé sang nhận kẹo.
Những lá thư sau khi nhận được, chúng tôi sẽ chuyển đến cho chuyên viên tư vấn của trường, kịp thời giải tỏa tâm lý cho các bạn" - Thanh Trúc nói.
Để tránh sự e ngại của bạn bè, hai hộp thư sẽ được đặt cố định tại khu đọc sách phía sau hội trường A - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cầu nối thông tin với chuyên viên tâm lý
Bạn Nguyễn Thị Thanh Vy cho biết những bức thư gởi đến chủ yếu chia sẻ vấn đề học tập, điểm số và mối quan hệ xung quanh khi vào môi trường mới…
"Bản thân chúng tôi cũng gặp khó khăn tương tự. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng lâu dài, khó giải quyết khi chỉ một mình mà không có sự lắng nghe và thấu hiểu. Ở lứa tuổi học sinh, các bạn dám nói, dám làm nhưng vẫn e ngại người khác nghĩ sai về mình. Nhóm mong rằng hoạt động này thúc đẩy việc chia sẻ hơn" - Thanh Vy nói.
Nếu cảm thấy tinh thần không tốt, các bạn có thể ghé sang nhận kẹo mà không nhất thiết phải bỏ thư - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) - đánh giá đây là dự án rất thực tế.
"Hai học sinh lớp 12 có hai năm học tập ở trường, từng chứng kiến một số bạn bè có khó khăn trong vấn đề tâm lý, nhưng chưa mạnh dạn chia sẻ hay đến phòng tư vấn tâm lý gặp chuyên gia tư vấn chuyên môn. Tôi đánh giá cao ý tưởng của hai học sinh. Các bạn có sự quan tâm tới bạn học trong nhà trường.
Các bạn thực hiện hai hòm thư này như cầu nối, giúp học sinh có thêm kênh chuyển thông điệp đến chuyên gia của phòng tư vấn tâm lý.
Dự án cũng giúp học sinh thêm thông tin về phòng tham vấn tâm lý, có thêm nhiều cách để chia sẻ khó khăn trong học tập, cuộc sống, gia đình, tình cảm… để định hướng và giải tỏa hợp lý và đúng chuyên môn hơn" - cô Chương nói.
Những lời chúc nhỏ để giúp học sinh vui vẻ và thoải mái học tập hơn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thêm hình thức chăm sóc sức khỏe tinh thần
Cô Nguyễn Thị Hồng Chương cũng cho biết nhà trường có phòng tư vấn tâm lý. Tuy nhiên số lượng học sinh đến để chia sẻ những khó khăn của mình vẫn còn e dè và hạn chế.
"Hòm thư này sẽ là cầu nối để các em học sinh cởi mở, có thêm hình thức hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đây cũng là tiêu chí đánh giá trường học hạnh phúc khi các em giải tỏa được những khó khăn chưa biết tâm sự cùng ai.
Đối với những vấn đề nhỏ có thể nhờ thầy cô chủ nhiệm hỗ trợ, những vấn đề lớn hơn thì nhờ chuyên viên tâm lý. Còn đối với tình trạng nặng thì nhà trường cũng sẽ kết nối với viện tâm lý để điều trị chuyên sâu" - cô Chương nói thêm.
Đăng thảo luận