Học sinh lớp 1 học như "thợ cày", ngày 8-9 tiếng: Chuyện không hiếm

(Dân trí) - Cô N.T.H., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nhận định, nhiều học sinh lớp 1 ra khỏi nhà lúc 7h30 sáng và trở về nhà lúc 7h30 tối.

"Nhiều gia đình không xem học ngoại ngữ, học lập trình là học thêm"

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền dòng chia sẻ không xác định danh tính về lịch học của học sinh lớp 1.

Nội dung chia sẻ ghi: "Lịch bạn nhà mình học lớp 1: Sáng và chiều đi học trên trường, 4h30 đón về; 5h học luyện chữ đến 7h về; 7h đi học thêm đến 9h30 về; 22h làm bài tập về nhà trên lớp; làm bài tập thêm ở sách nâng cao ngoài đến 0h đi ngủ. 

Nếu đợt nào có kiểm tra, luyện đề cô cho đến 1-2h sáng mới đi ngủ.

Sau 1 năm học: Giải nhất Trạng Nguyên cấp tỉnh; giải nhất Olympic cấp quốc gia; tổng được 4 giải 4 huy chương vàng cấp tỉnh và quốc gia môn tiếng Việt và toán.

Vậy mà chưa là gì so với các bạn trong lớp và trường".

Học sinh lớp 1 học như "thợ cày", ngày 8-9 tiếng: Chuyện không hiếm  第1张

Hình ảnh về lịch học của học sinh lớp 1 được lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Cô N.T.H., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nhận định, nội dung chia sẻ này không có độ tin cậy. Lý do cô H. đưa ra là rất hiếm lớp học thêm nào thiết kế thời gian 2 tiếng đồng hồ cho trẻ lớp 1. 

Đồng thời, việc cha mẹ để cho trẻ luyện đề đến 1-2h sáng là điều hi hữu và hiếm gặp.

Tuy nhiên, cô H. thừa nhận, tình trạng trẻ tiểu học ở Hà Nội ra khỏi nhà lúc 7h30 sáng và về nhà lúc 7h30 tối khá phổ biến.

Giảng dạy bậc tiểu học gần 20 năm, cô N.T.H. cho biết, nhiều phụ huynh có quan niệm kép về học thêm. 

"Với không ít cha mẹ, học thêm là học toán, tiếng Việt và các môn học khác trong nhà trường. Còn học các môn ngoài chương trình như ngoại ngữ, lập trình, nhảy múa, mỹ thuật… không phải là học thêm. 

Từ quan niệm đó, họ đăng ký cho con học rất nhiều các khóa học ngoài nhà trường, hoàn toàn không cho rằng những khóa học này cũng lấy mất thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cần thiết của con cái", cô N.T.H. nhận định.

Cô H. quan sát, nhiều học sinh đến các lớp học ngoại khóa ngay sau giờ tan trường. "Có em học tiếng Anh 2 buổi/tuần, học toán tư duy 1 buổi/tuần, học lập trình 1 buổi/tuần, học bóng rổ 2 buổi/tuần, học đàn 2 buổi/tuần, tổng cộng 8 buổi học ngoại khóa/tuần. Nhưng phụ huynh nói rằng cháu học rất nhàn, không học thêm gì", cô H. chia sẻ.

Học sinh lớp 1 học như "thợ cày", ngày 8-9 tiếng: Chuyện không hiếm  第2张

Phụ huynh đưa trẻ tựu trường (Ảnh: Nam Anh).

Ở góc độ phụ huynh, chị Hoàng Thị Thanh Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con chị chỉ học thêm môn duy nhất là tiếng Anh nhưng ngày nào cũng 10h đêm mới đi ngủ.

"1 tuần con tôi có 2 buổi về nhà lúc 7h tối vì học thêm tiếng Anh ở trung tâm, những ngày còn lại về nhà vào 5h chiều. Buổi tối, để làm hết bài tập cô giao, cháu thường mất 1-2 tiếng. Cháu viết chậm và viết sai nhiều, làm tính hay nhầm lẫn.

Vào lớp 1 được gần 1 tháng, hầu như ngày nào cháu cũng học đến 9h30 mới xong bài. Tổng thời gian học ở trường lẫn ở nhà có khi lên đến 8-9 tiếng, như thợ cày.

Mỗi lần nhận tin nhắn của cô giáo nhận xét con viết ẩu, đọc kém là tôi lại áp lực, lại gò con luyện chữ, luyện đọc.

Nhiều gia đình không có khả năng rèn con, phải đưa con đi học thêm, chứ không phải họ mong con thành ông nọ bà kia", chị Hương nói.

"Không nên cho trẻ tiểu học đi học thêm, nhất là lớp 1"

Đó là lời khuyên của thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc). 

Thầy Mạnh nhận định, trẻ chậm viết, chậm đọc, chậm làm toán là điều hoàn toàn bình thường. 

Trong bối cảnh rất nhiều học sinh tham gia lớp tiền tiểu học, biết đọc, viết, tính toán trước khi vào lớp 1, sự khác nhau về kỹ năng, nhận thức giữa các học sinh trong cùng 1 lớp là điều đương nhiên. Giáo viên sẽ dạy theo chương trình chuẩn chứ không dạy theo những gì học sinh đã biết. Do đó, cha mẹ không nên lo lắng.

"Tôi khẳng định, các con chỉ cần học 2 buổi/ngày ở lớp và không đi học thêm ở đâu, đến cuối năm, các con sẽ biết đọc, biết viết, biết làm toán, ngoại trừ các bạn có vấn đề về sức khỏe", Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B nhấn mạnh.

Học sinh lớp 1 học như "thợ cày", ngày 8-9 tiếng: Chuyện không hiếm  第3张

Học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường tại TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Thầy Đào Chí Mạnh cũng lưu ý, giáo viên nên là người giúp phụ huynh giải tỏa lo lắng thay vì làm họ lo lắng hơn. Trong đó, giáo viên cần thay đổi thói quen cũ để dạy theo hướng phân hóa học sinh, căn cứ trên xuất phát điểm của mỗi em là khác nhau.

Khi dạy học phân hóa, học sinh có xuất phát điểm thấp hơn sẽ nhận được sự hỗ trợ riêng từ giáo viên để đạt các mục tiêu học tập. Do đó, trẻ không cần đi học thêm.

Cô N.T.H. nêu quan điểm, để trẻ không phải đi học thêm, cả thầy cô và cha mẹ đều phải xem trọng thời gian nghỉ ngơi của trẻ.

"Giáo viên cần bình tĩnh trước sự tiến bộ chậm của học sinh, không thúc ép học sinh phải đạt năng lực đồng đều nhau.

Cha mẹ cần bình tĩnh trước sự phát triển của con, không trang bị cùng một lúc quá nhiều kỹ năng, kiến thức. 

Việc học kỹ năng rất tốt, nếu trẻ yêu thích nữa thì không có áp lực. Song đó cũng là cái bẫy tâm lý khiến cha mẹ càng muốn con học nhiều hơn nữa. 

Hệ quả của việc này là trẻ rất ít thời gian ở nhà, ít thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn, lâu dần sẽ mất kết nối với gia đình cũng như thế giới xung quanh", cô H. bày tỏ.

Theo quy định về dạy thêm học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm với học sinh tiểu học. Dự thảo Thông tư mới bỏ nội dung này, thay thế bằng quy định không dạy thêm với học sinh học 2 buổi/ngày.

Như vậy, đối tượng không được tổ chức dạy thêm mở rộng hơn với không chỉ học sinh tiểu học mà còn cả học sinh cấp 2 ở các trường tổ chức dạy học 2 buổi.