150 người có ảnh hưởng tới công chúng tham gia livestream bán hàng ngay tại vườn đã giúp hơn 8.000 đơn hàng với 18 tấn trái cây được tiêu thụ qua một nền tảng thương mại điện tử trong khoảng hơn 3 tháng.

Quảng bá, kích cầu mua sắm trái cây Việt

Đại diện truyền thông của nền tảng thương mại điện tử Shopee thông tin với VietNamNet: Từ tháng 5/2024, Shopee tổ chức chương trình "Đại tiệc livestream trái cây" thuộc khuôn khổ dự án Shopee Fruit, thu hút 150 KOL (người có ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng chủ chốt và có ảnh hưởng đáng kể trong cộng đồng) tham gia quảng bá nông sản và thực hiện livestream bán hàng ngay tại vườn, kết nối hàng trăm nhà vườn trên khắp cả nước.

Livestream bán nông sản Việt, giúp dân tăng thu nhập  第1张Hàng chục tấn trái cây đã được bán thông qua các chương trình livestream của Shopee.

Tính đến tháng 8/2024, chương trình đạt hơn 20 triệu lượt xem livestream trên Shopee Live và các nền tảng mạng xã hội. Hơn 8.000 đơn hàng gồm 18 tấn trái cây đã được bán ra.

"Đại tiệc livestream trái cây" giới thiệu hàng trăm loại trái cây đặc trưng vùng miền, quảng bá nhiều câu chuyện đặc sắc từ nông dân và chủ vườn, cùng hàng ngàn ưu đãi hấp dẫn kèm dịch vụ giao hỏa tốc giúp đảm bảo trái cây giữ được độ tươi ngon tới tay người tiêu dùng.

Tham gia phiên livestream của Shopee ngày 15/8 vừa qua, FoodMap - một nhà bán hàng uy tín - đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng. 

Ông Mai Thanh Thái, Đồng sáng lập FoodMap cho biết: “Trái cây là sản phẩm đặc thù dựa trên mùa vụ, vùng miền. Những loại trái cây bán chạy nhất trong phiên livestream này gồm: sầu riêng RI6 (Khánh Hòa, Đắk Nông), bưởi da xanh (Đồng Nai), bơ booth (Đắk Lắk). Chúng tôi đã làm việc với nhiều nhà vườn ở những khu vực khác nhau để chọn ra đối tác có khả năng đáp ứng yêu cầu về cả chất lượng và sản lượng. Quá trình khảo sát, đánh giá bắt đầu ít nhất 1 tháng trước phiên livestream để có đủ thời gian chuẩn bị và điều chỉnh”.

Dựa trên nhu cầu của các phiên bán hàng (livestream) cũng như xu hướng tiêu dùng của khách hàng trên ở sàn thương mại điện tử, FoodMap dự tính sản lượng cần thiết trước khi phiên live diễn ra, đảm bảo sản phẩm được thu hoạch đúng thời điểm, chất lượng đạt yêu cầu và phù hợp với nhu cầu thị trường. 

FoodMap đã xây dựng xong phần mềm FoodMap Insight. Tất cả dữ liệu của ngành như: năng lực nhà cung ứng, mùa vụ, đặc tính từng loại nông sản… đều được lưu trữ, phân tích đánh giá trong suốt gần 6 năm qua. Với hệ thống này, FoodMap có thể dễ dàng thu mua, vận hành,… tối ưu hơn so với các cách làm truyền thống hiện tại trong nông nghiệp. 

Ông Thái đánh giá cao thế mạnh của Shopee về nền tảng công nghệ thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm và ủng hộ nông sản địa phương với các gói ưu đãi kích cầu như voucher giảm giá, freeship, xu thưởng, flash sale, đấu giá…). 

“Đặc biệt, hoạt động truyền thông, kết hợp với các KOC/KOL để thực hiện livestream tận vườn, tận kho phân phối tạo ra hiệu quả quảng bá và kích cầu mua sắm trái cây Việt theo cách gần gũi, tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng hơn”, Đồng sáng lập FoodMap nhận định.

Đưa sản phẩm thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế

Bên cạnh "Đại tiệc livestream trái cây", thời gian qua, nhiều dự án, sáng kiến đã được triển khai trên sàn thương mại điện tử Shopee, giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho hàng nghìn thương hiệu Việt.

Chẳng hạn, dự án Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử từ tháng 4/2024 nhắm tới mục tiêu đưa 1.000 hộ sản xuất và cung ứng tại Việt Nam tiếp cận thương mại điện tử. Tính đến tháng 8/2024, dự án đã hỗ trợ 283 nhà sản xuất và cung ứng địa phương, phối hợp với 6 làng nghề miền Bắc quảng bá sản phẩm bản địa; hỗ trợ tăng doanh thu lên tới 20 lần cho nhà bán hàng tham gia dự án; tạo hàng ngàn cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Cũng từ tháng 4/2024, Shopee ra mắt chuỗi livestream mới: “Shopee - Tinh hoa Việt du ký” diễn ra định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, đến tháng 12/2024. Tới tháng 8.2024, chương trình đã đồng hành cùng 350 doanh nghiệp và thương hiệu Việt; quảng bá gần 1.000 sản phẩm địa phương; thu hút hơn 12 triệu tổng lượt tiếp cận qua Shopee Live cùng các trang mạng xã hội. 

Không chỉ giúp các nhà bán hàng chuyển đổi số và phát triển kinh doanh thương mại điện tử thành công tại thị trường trong nước, Shopee còn hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm qua các thị trường quốc tế như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) thông qua Chương trình Bán hàng toàn cầu (SIP).  

Ra mắt từ năm 2021, tính đến thời điểm hiện tại, SIP đã thu hút hơn 350.000 người bán tham gia, trong đó có 1.000 thương hiệu Việt; đưa hơn 15 triệu sản phẩm đăng bán tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ người bán đạt tăng trưởng doanh thu 20 - 30%. Thời trang là ngành hàng được người tiêu dùng nước ngoài yêu thích nhất, với nhiều thương hiệu tiêu biểu như Mona, Libe...