Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, tạm hoãn xuất cảnh không phải biện pháp 'mạnh tay' nhất trong thu nợ thuế. Quá trình thực thi, cơ quan thuế cũng căn cứ tình hình thực tế chứ không áp dụng cứng nhắc, tràn lan.

Lời toà soạn:

Câu chuyện ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế đã mở ra cuộc tranh luận về vai trò của biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong thu hồi nợ thuế. 

Với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế thì việc áp dụng biện pháp mạnh là cần thiết. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bức xúc khi lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh khi chỉ nợ thuế từ 1-10 triệu đồng.

Tuyến bài "Phía sau việc tạm hoãn xuất cảnh doanh nhân để thu hồi nợ thuế" của VietNamNet đưa ra góc nhìn đa chiều từ doanh nghiệp, cơ quan chức năng nhằm để tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề này.

Dư luận và người trong cuộc đều có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề doanh nhân bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp còn nợ thuế. Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, chia sẻ với PV. VietNamNet góc nhìn của những người thực thi quy định pháp luật thuế.

Trong luật không có quy định thế nào là khoản nợ thuế nhỏ hay lớn

- Quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người còn nợ thuế đã áp dụng như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Minh: Quy định này đã có từ nhiều năm trước. Gần đây nhất, Luật Quản lý thuế năm 2020 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (có hiệu lực từ tháng 7/2020) cũng có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế. 

Theo pháp luật hiện hành, người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế. Trong luật không có quy định thế nào là khoản nợ thuế nhỏ hay lớn.

Những người nộp thuế (gồm cả cá nhân, doanh nghiệp) đang thuộc đối tượng bị cưỡng chế thuế phải hoàn thành nghĩa vụ về thuế trước khi xuất cảnh. 

Đối với những pháp nhân đang bị cưỡng chế thuế, khi pháp nhân vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì người đại diện pháp nhân sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế: Không cứng nhắc hoãn xuất cảnh doanh nhân nợ thuế  第1张 Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế. Ảnh: TCT

- Vẫn có ý kiến cho rằng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh có vẻ quá “nặng tay” với lãnh đạo doanh nghiệp khi nhiều vị giám đốc chỉ là người làm thuê. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Thật ra, những suy nghĩ đó của một số doanh nghiệp đã được ghi nhận trong quá trình xây dựng Luật Quản lý thuế. Nhưng Quốc hội đã thông qua luật với quy định như vậy, chúng ta phải thực hiện thôi. 

Luật đã quy định rồi. Một cá nhân có trách nhiệm đại diện, điều hành pháp nhân, thì khi pháp nhân nợ thuế, cá nhân đấy phải chịu tạm hoãn xuất cảnh đến khi pháp nhân hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Các cơ quan thuế là cơ quan thực thi pháp luật thuế, phải tuân thủ theo pháp luật, cho tới khi có những quy định bổ sung, sửa đổi. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu nợ thuế, các cơ quan thuế cũng căn cứ tình hình thực tế chứ không áp dụng một cách cứng nhắc, tràn lan.

Thông thường, nếu cá nhân không phải là người kinh doanh thì cũng rất hạn chế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Tất nhiên, người có số nợ lớn lên tới hàng tỷ đồng, có nguy cơ thất thoát ngân sách, thì cũng phải áp dụng.

Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp thu nợ thuế. Nếu chúng tôi thấy có thể áp dụng các biện pháp khác thì không nhất thiết áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Thấy có nguy cơ cao thất thu thuế, biện pháp này mới thực hiện để đảm bảo lợi ích của ngân sách.

Số lượng thông báo tạm hoãn xuất cảnh ban hành năm 2024 tăng lên đáng kể

- Có bao nhiêu người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đã bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế? Con số này tăng hay giảm thế nào so với cùng kỳ năm ngoái, thưa ông?

Tính cả năm 2023 đến tháng 8/2024, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng. Trong đó, có 10.829 trường hợp là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 6.894 tỷ đồng.

Cả năm 2023 chỉ thông báo tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp với tổng số tiền thuế nợ là 6.719 tỷ đồng.

Ngày 6/2/2024, Tổng cục Thuế đã có Công văn 511 chỉ đạo các cục thuế xem xét áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho các trường hợp chây ì nợ thuế, đặc biệt tập trung các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh mà vẫn còn nợ thuế.

Sau chỉ đạo này, các cục thuế tích cực rà soát để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nên số lượng thông báo tạm hoãn xuất cảnh ban hành trong năm 2024 tăng lên đáng kể.

- Trong số các trường hợp đại diện pháp nhân bị tạm hoãn xuất cảnh, bao nhiêu doanh nghiệp đã trả nợ thuế? 

Năm 2024, có 1.424 trường hợp đã nộp thuế trên tổng số 6.539 trường hợp thông báo tạm hoãn xuất cảnh, chiếm gần 21,8%. Tổng số tiền thuế nợ đã trả chiếm 7,04% tổng số tiền thuế nợ trong các quyết định tạm hoãn xuất cảnh.

Trong số 9.002 trường hợp thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, cũng có 5,65% trường hợp nộp số thuế nợ.

- Tạm hoãn xuất cảnh có phải là biện pháp mạnh nhất để thu nợ thuế hay không, thưa ông?

Hiện có nhiều biện pháp cưỡng chế thuế, như: cưỡng chế bằng tài khoản (ngân hàng trích chuyển trên tài khoản của pháp nhân), cưỡng chế sử dụng hóa đơn, cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh...

Theo thống kê mới đây của ngành thuế, tổng số tiền thu nợ thuế trong tháng 8/2024 ước đạt 3.244 tỷ đồng; lũy kế tính đến cuối tháng 8/2024 ước thu được 53.771 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ 2023 (trong đó, 50.458 tỷ đồng thu bằng biện pháp quản lý nợ; chỉ khoảng 3.313 tỷ đồng thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ). 

Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải biện pháp thực sự mạnh nhất.

Biện pháp chúng tôi đang áp dụng nhiều nhất là dừng sử dụng hóa đơn. Biện pháp này mạnh hơn nhiều. Rất nhiều doanh nghiệp, hệ thống lớn khi bị dừng sử dụng hóa đơn thì có tác động ngay. Đó là công cụ của nhà nước trang bị cho ngành thuế để bảo vệ lợi ích của ngân sách.

- Để tăng hiệu quả thu nợ thuế, ngành thuế có giải pháp mới nào?

Công tác thu nợ thuế năm nay có nhiều đổi mới. Đặc biệt, chúng tôi ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý các quy trình nghiệp vụ, hỗ trợ cán bộ thuế thực hiện cưỡng chế đúng thời hạn, qua đó góp phần tăng hiệu quả thu hồi tiền nợ thuế cho Nhà nước.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, lại vừa bị bão lũ, Nhà nước áp dụng nhiều giải pháp giãn, hoãn, chậm nghĩa vụ nộp thuế cho các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Dù công tác quản lý nợ thuế có thêm áp lực lớn song Tổng cục Thuế đã sớm chỉ đạo các cục thuế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Những trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nếu có hồ sơ miễn, hoãn, giảm theo quy định của Luật Quản lý thuế thì ngành thuế hỗ trợ giải quyết ngay.

Điều 66 Luật Quản lý thuế quy định: “Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh”.

Khoản 5 Điều 36 Luật Xuất nhập cảnh quy định: “Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế: Không cứng nhắc hoãn xuất cảnh doanh nhân nợ thuế  第2张 Doanh nhân bị hoãn xuất cảnh vì nợ vài triệu hay bạc tỷ: 'Tôi không mang cơ nghiệp ra đùa'"Trong điều kiện sức khoẻ bình thường không ai muốn nợ thuế đến mức tạm hoãn xuất cảnh. Cưỡng chế hoá đơn đã là cực hình với doanh nghiệp", đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.