Lợi nhuận nửa đầu năm 2024 của Tan Chong Quốc tế giảm gần 90% vì Subaru
(Dân trí) - Tập đoàn Quốc tế Tan Chong dường như đang gặp tình trạng khó khăn khi lợi nhuận nửa đầu năm giảm tới gần 90%, do gặp vấn đề ở hạng mục kinh doanh ô tô.
Tập đoàn Quốc tế Tan Chong (TCIL) - đơn vị sở hữu Motor Image, nhà phân phối xe Subaru tại Châu Á - mới đây đã gửi báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024 tới các cổ đông. Một trong những nội dung gây chú ý và đáng báo động chính là việc lợi nhuận sau thuế giảm tới 86,6%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính tạo nên tình trạng khó khăn này của TCIL chính là việc sụt giảm doanh số, thất bại tại các thị trường CKD (lắp ráp) như Malaysia và Thái Lan, cũng như tại các thị trường CBU (nhập khẩu) gồm Đài Loan, Singapore (nơi TCIL cũng là nhà phân phối xe Nissan) và Philippines.
TCIL và Subaru lên kế hoạch đóng cửa nhiều nhà máy lắp ráp tại khu vực Đông Nam Á vào năm sau (Ảnh: Paultan).
Việc doanh số sụt giảm được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến Subaru đi đến quyết định đóng cửa nhiều nhà máy lắp ráp tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các thị trường lân cận như Việt Nam, do nhập khẩu xe từ những quốc gia này.
Trong danh mục sản phẩm của Subaru Việt Nam, Forester đang là mẫu xe duy nhất được nhập khẩu từ xứ sở chùa Vàng. Đại diện của hãng xe Nhật cho biết, các đại lý ủy quyền tại nước ta sẽ tiếp tục kinh doanh xe Forester được nhập khẩu từ Thái Lan, cho đến khi thế hệ mới nhập Nhật chính thức được ra mắt.
Doanh số của Subaru tại Thái Lan không được như kỳ vọng của nhà phân phối, dù nhà máy lắp ráp đi vào hoạt động từ năm 2019 (Ảnh: Autolifethailand).
Trước năm 2019, Subaru Forester tại Việt Nam cũng từng được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, "kén khách" vì giá bán lên tới 1,4 tỷ đồng. Sau khi chuyển sang nhập Thái, giá xe giảm gần 400 triệu đồng, giúp doanh số được cải thiện.
Hiện tại, Forester có giá khởi điểm từ 949 triệu đồng và cao nhất lên tới 1,199 tỷ đồng, nhưng thường xuyên cần đến các khuyến mại giảm giá lên tới 200 triệu đồng để kích cầu. Tại nhóm xe C-SUV, khách Việt vẫn đang dành sự quan tâm tới những sản phẩm có giá bán tốt, trong bối cảnh kinh tế vẫn gặp khó khăn.
Ví dụ như Mazda CX-5 đang bán chạy nhất phân khúc này có giá khởi điểm từ 749 triệu đồng, ngang bản cao của một số mẫu SUV hạng B. Nhằm cạnh tranh với đối thủ, Tucson được TC Motor điều chỉnh giá từ đầu tháng 4; trong đó, bản tiêu chuẩn có giá giảm còn 769 triệu đồng.
Subaru Forester không bán quá chạy do thiết kế nội/ngoại thất không "hợp gu" số đông khách Việt. Dẫu vậy, đây vẫn là mẫu xe chủ lực của hãng xe Nhật Bản tại nước ta do giá bán đang ở mức dễ tiếp cận nhất (Ảnh: Gia An).
Ngoài Forester, danh mục sản phẩm của Subaru Việt Nam còn có các mẫu Outback, WRX và BRZ, đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản. Khi chuyển sang nhập khẩu từ xứ sở hoa anh đào, giá bán của Forester có thể sẽ tăng mạnh, quay trở lại thời điểm khó khăn trước 2019.
Đăng thảo luận