Mỹ thông báo triển khai gói viện trợ trị giá 375 triệu USD cho Ukraine, trong đó có đạn dành cho pháo phản lực HIMARS và tên lửa chống tăng.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 25/9 công bố "gói hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine" với tổng giá trị 375 triệu USD, gồm đạn cho tổ hợp HIMARS, đạn pháo 105 và 155 mm, tên lửa chống tăng Javelin, AT-4 và TOW, thiết giáp kháng mìn và nhiều loại khí tài, thiết bị khác.
Gói viện trợ được triển khai theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), đạo luật cho phép chính phủ Mỹ rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua.
Lầu Năm Góc cho biết đây là lần thứ 66 cơ quan này rút thiết bị quân sự từ kho dự trữ để chuyển cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh gói viện trợ sẽ được triển khai "nhanh nhất có thể".
Lính Ukraine vác đạn pháo 155 mm tại mặt trận Donetsk hôm 29/8. Ảnh: AFP
Washington công bố gói viện trợ trong lúc gần 6 tỷ USD còn lại trong ngân sách hỗ trợ Kiev theo PDA có thể hết hạn vào cuối tháng 9, trừ khi được quốc hội Mỹ gia hạn thẩm quyền sử dụng. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm nay sẽ thông báo với quốc hội về ý định chi hết số tiền này sau khi hết hạn.
Mỹ là bên hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ nhất trong xung đột. Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp cho Kiev khoảng 175 tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự kể từ đầu chiến sự.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu cựu tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử ngày 5/11. Ông Trump hồi tháng 6 cho rằng Ukraine đang "xin viện trợ không có điểm dừng" và dọa sẽ chấm dứt tình trạng này ngay khi đắc cử.
Trong cuộc tranh luận với Phó tổng thống Kamala Harris hôm 10/9, ông Trump không trả lời khi được hỏi liệu có muốn Ukraine giành chiến thắng hay không, mà chỉ nói sẽ tìm cách chấm dứt xung đột thông qua đàm phán. Giới quan sát nhận định điều này cho thấy ông sẽ không đối đầu Nga nhiều như chính quyền đương nhiệm nếu đắc cử.
Phạm Giang (Theo AFP)
Đăng thảo luận