Nhẫn tâm giả mạo phóng viên lừa gia đình bệnh nhân nguy kịch 44 triệu đồng
(Dân trí) - Đang chạy khắp nơi tìm cách đóng viện phí cho chồng lâm trọng bệnh, người vợ cùng gia đình bị kẻ bất lương giả mạo phóng viên kêu gọi ủng hộ, lừa đảo 44 triệu đồng tiền vay mượn.
Ngày 20/9, chị Trương Thị Cẩm Tiên, vợ anh Nguyễn Văn Hận (42 tuổi, quê Kiên Giang) - bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - liên lạc với chúng tôi, khóc nghẹn cho biết gia đình vừa bị lừa đảo số tiền hàng chục triệu đồng.
Chị Trương Thị Cẩm Tiên (Ảnh: Anh Thư).
Vừa lên bài kêu gọi đã bị lừa đảo 44 triệu đồng
Vợ chồng chị Tiên, anh Hận là hoàn cảnh trong bài viết "Chuyến ô tô đầu tiên trong nước mắt của người vợ bán vé số nghèo" mà Báo Dân trí đăng tải ngày 19/9, để kêu gọi ủng hộ viện phí cho bệnh nhân.
Theo chị Tiên, chỉ vài giờ sau khi bài viết đăng tải trên báo, người phụ nữ bất ngờ nhận cuộc gọi từ số điện thoại 0896.894... của một người đàn ông tự xưng tên Nguyễn Hoàng Nam, giới thiệu là phóng viên một tờ báo.
"Người này nói chính xác hết hoàn cảnh, hỏi thăm tình hình sức khỏe của chồng tôi rất nhiều. Sau đó, anh ta cho biết đã kêu gọi được mạnh thường quân giúp đỡ gia đình tôi 24 triệu đồng, đề nghị cung cấp số tài khoản ngân hàng, rồi gửi hình báo đã chuyển tiền thành công", chị Hận kể.
Đối tượng gửi hình ảnh chuyển tiền thành công để tạo niềm tin với gia đình bệnh nhân (Ảnh: NV).
Tuy nhiên sau đó, người tự xưng là phóng viên lại thông báo rằng việc chuyển tiền trực tiếp qua số tài khoản của chị Phạm Thị Tuyến (chị anh Hận) gặp trục trặc, yêu cầu gia đình liên kết ví điện tử MoMo để nhận tiền. Vì đã tin tưởng, gia đình chị Tiên đã thực hiện theo hướng dẫn.
Ngay sau khi quét mã QR mà kẻ gian cung cấp, tài khoản cá nhân của người chị bị trừ mất 10 triệu đồng.
Thấy phía bệnh nhân lo lắng, đối tượng tự xưng phóng viên đã trấn an gia đình anh Hận rằng số tiền này sẽ được hoàn trả lại, đồng thời thúc giục người phụ nữ thực hiện các giao dịch tiếp theo để nhận được số tiền ủng hộ. Đáng chú ý, mỗi mã QR mà kẻ gian cung cấp đều là một tài khoản khác nhau.
Đến khi tài khoản nạn nhân bị trừ tổng cộng 44 triệu đồng qua 5 lần quét mã, đối tượng chặn mọi liên lạc của chị Tiên và gia đình.
Sau 5 lần quét mã, tài khoản ngân hàng của người nhà bệnh nhân bị trừ tổng cộng 44 triệu đồng (Ảnh chụp màn hình).
Cảnh báo trục lợi từ chiêu giả danh báo chí, nhà hảo tâm từ thiện
Theo lời chị Tiên, để có tiền lo cho chồng chữa trị căn bệnh uốn ván biến chứng nặng, người vợ phải vay mượn khắp nơi mới được hơn 80 triệu đồng. Sau khi đóng khoản viện phí hơn 60 triệu đồng, chị mượn tiếp người thân hơn 20 triệu đồng để trả số tiền nợ và lãi đã vay bên ngoài, gửi nhờ vào số tài khoản của gia đình anh Hận.
"Tôi tin tưởng họ giúp đỡ chồng mình nên bị lừa hết, giờ không biết tìm đâu ra tiền để trả nợ. Tôi còn nhiều thứ phải lo, sức khỏe chồng đang yếu, 3 đứa con thơ ở quê mong ngóng cha mẹ về…", người vợ khóc nức nở nói.
Đối tượng giả danh phóng viên gửi hình căn cước công dân đã chỉnh sửa để lấy niềm tin của gia đình bệnh nhân (Ảnh: NV).
Cũng theo chị Tiên, sau khi mất số tiền lớn, có nhiều người tiếp tục gọi đến, đề nghị cung cấp số tài khoản để chuyển tiền giúp đỡ. Nhưng vì sợ bị lừa đảo như trước, người vợ đề nghị họ chuyển tiền vào các tài khoản đăng tải công khai trên báo để ủng hộ chồng.
Bên cạnh đó, gia đình cũng trình báo sự việc đến công an địa phương để mong được cơ quan chức năng hỗ trợ lấy lại số tiền đã mất.
Đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM xác nhận với phóng viên, đơn vị đã nắm được sự việc gia đình bệnh nhân Nguyễn Văn Hận bị lừa số tiền 44 triệu đồng.
Gia đình chị Tiên đã lao đao nay càng thêm khánh kiệt, sau khi bị lừa đảo số tiền lớn (Ảnh: Anh Thư).
Theo vị trên, thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc lừa đảo qua điện thoại. Các đối tượng giả danh các cơ quan báo chí hoặc mạnh thường quân gọi điện thoại đến người bệnh, thân nhân yêu cầu quét mã, chuyển thông tin cá nhân nhằm thu thập thông tin, dữ liệu để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
"Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP cho người lạ qua điện thoại hoặc tra cứu vào các đường link do người lạ gửi đến. Không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
Khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc Sở Thông tin và Truyền thông", đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới khuyến cáo.
Hoàng Lê - Anh Thư
Đăng thảo luận