Dù vẫn "ế" hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm, số người học tiến sĩ, thạc sĩ năm qua tăng, góp phần mở rộng quy mô giáo dục đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 9/8 cho biết năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tuyển được gần 3.400 người học bậc tiến sĩ và gần 40.600 bậc thạc sĩ. So với năm ngoái, con số này tăng lần lượt 950 và 8.800.

Tính từ năm học 2020-2021 đến nay, số người học tiến sĩ, thạc sĩ trong nước tăng dần đều.

Xét riêng bậc thạc sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết số người học tăng đều ở tất cả khối ngành. Trong đó, nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng 34,79% so với năm ngoái; nhóm Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật tăng 10,48%.

Với bậc tiến sĩ, quy mô tăng mạnh nhất ở khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên với hơn 57,5%. Khối ngành đào tạo giáo viên tăng khoảng 51,3%. Nhóm Toán và Thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y cũng tăng 33,3% so với năm ngoái.

Mở rộng quy mô đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ hiện là mục tiêu của nhiều đại học. Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội và nhiều trường thu hút sinh viên giỏi vào các chương trình này với mức hỗ trợ 50-100% học phí. Nhiều doanh nghiệp cũng hợp tác với trường, cấp học bổng để thu hút nhân tài.

Số người học tiến sĩ, thạc sĩ trong nước tăng  第1张

Học viên trong lễ trao bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Đại học Ngoại thương hồi tháng 10/2023. Ảnh: FTU

Dù số lượng người học tiến sĩ, thạc sĩ trong nước tăng nhưng toàn hệ thống vẫn "ế" hàng nghìn chỉ tiêu. Như với bậc tiến sĩ, số chỉ tiêu cả nước là gần 7.200 nhưng tuyển được chỉ khoảng 3.400, bậc thạc sĩ thừa 30.800 chỉ tiêu.

Với hệ đại học, các trường tuyển được hơn 512.200 trong tổng số khoảng 617.800 chỉ tiêu (tương đương 82,9%). Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết lý do một phần do việc tuyển sinh hiện nay theo hướng chuyển đổi số, được điều chỉnh tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Các trường nỗ lực nâng cao chất lượng tư vấn, hướng dẫn đến xử lý thông tin...