Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ, tài liệu sang Bộ Công an để điều tra, xử lý dấu hiệu sai phạm với 8 dự án tại Hà Nội, TP HCM và Bình Dương.
Ngày 11/10, Thanh tra Chính phủ phát thông báo về kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo kết luận, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011-2019 đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiệu quả sử dụng đất qua đó được phát huy, đáp ứng một phần nguồn cung nhà ở cho người dân.
Tuy nhiên việc thanh tra với 9 khu đất, dự án tại Hà Nội, TP HCM và Bình Dương cho thấy việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất còn xảy ra những khuyết điểm, vi phạm. Thanh tra Chính phủ sau đó đề nghị Bộ Công an xem xét, điều tra, xử lý theo quy định với các hành vi vi phạm pháp luật của 8 dự án. Trong đó Hà Nội có 3 dự án, TP HCM có 2 và Bình Dương 3.
Ở Hà Nội, với dự án nhà ở cao tầng, văn phòng, dịch vụ tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, cơ quan thanh tra xác định UBND Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất thấp hơn 57,5 tỷ đồng. Số tiền phê duyệt này thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất được Bộ Công Thương phê duyệt trong giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Thép Việt Nam. Từ đó gây nguy cơ làm giảm giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách.
Ngoài ra, một số người dân lấn chiếm khu đất kéo dài nhiều năm, vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, sử dụng đất. Việcn này đến nay chưa được Tổng công ty Thép Việt Nam, UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan xử lý, nguy cơ thất thoát quyền sử dụng đất.
Dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam góp vốn thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông. Vốn góp bằng giá trị sử dụng và thương mại của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm. Thanh tra đánh giá việc này không đúng quy định.
Từ đó dẫn đến việc UBND Hà Nội thu hồi đất, giao đất và cho phép Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông chuyển mục đích sử dụng hơn 14.300 m2 đất để thực hiện dự án trái quy định. Việc chuyển đổi không đúng với phương án sử dụng đất được Thủ tướng phê duyệt tại phương án cổ phần hóa Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam và không đúng với nghị quyết của Quốc hội.
Công ty TNHH Phương Đông sau đó đã sử dụng 312 căn hộ cho thuê ngắn hạn, bán theo hình thức sở hữu lâu dài.
Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại số 275 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, bị đánh giá có vi phạm góp vốn trái quy định. Từ đó UBND Hà Nội thu hồi 23.380 m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần Cơ khí chính xác số 1, giao cho Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Việc giao đất này để thực hiện dự án nhà ở, không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Công ty cổ phần Cơ khí chính xác số 1 chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt cho Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy theo mệnh giá, không đấu giá, không thẩm định giá cổ phần. Hành vi này là trái quy định.
Ông Hoàng Hưng, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra. Ảnh: TTCP
TP HCM có hai dự án là tòa nhà văn phòng, thương mại và nhà ở tại số 244 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và khu nhà ở thấp tầng tại số 5 đường 22 Khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Với dự án tại số 244 Kha Vạn Cân, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM ký văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ chuyển mục đích sử dụng 2 khu đất tại quận Thủ Đức rộng 1.000 m2 và hơn 6.800 m2.
Hành vi bị cơ quan thanh tra cho rằng đã vi phạm quy định của Luật Đất đai 2003 và không đúng thẩm quyền. Từ đó dẫn đến việc phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất có sai phạm.
Tại Bình Dương, 3 dự án cũng bị đánh giá có vi phạm, chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an. Với dự án khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An rộng hơn 96.200 m2 vi phạm xuất phát từ việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An không đúng quy định.
UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi 95.200 m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An và 298 m2 đất của 3 hộ dân. Tỉnh này sau đó giao cho Công ty TNHH Phát triển nhà Xe lửa Dĩ An thực hiện dự án nhà ở, không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, việc Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An bán 5 nền đất thuộc dự án nhà ở, chung cư thương mại đường sắt Dĩ An là trái với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND thị xã Dĩ An phê duyệt. Hành vi này có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đơn giá đất tính theo thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ 3 năm thành 5 năm theo đề nghị của chủ đầu tư cũng có dấu hiệu sai phạm. Hành vi này dẫn đến tiền sử dụng đất bị giảm 14,7 tỷ đồng, có dấu hiệu phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự.
Với dự án khu nhà ở thương mại đường sắt trên diện tích 64.050 m2 đất tại phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, UBND tỉnh Bình Dương cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An sử dụng để thực hiện dự án không đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Thanh tra cho rằng từ tháng 12/2016 đến nay cũng chưa xác định nghĩa vụ tài chính để thu ngân sách trong việc giao 64.050 m2 đất, nguy cơ thất thu ngân sách với số tiền khoảng 220 tỷ đồng.
Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An còn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa được Sở xây dựng Bình Dương thông báo dự án đủ điều kiện huy động vốn. Thế nhưng doanh nghiệp đã sử dụng 64.050 m đất để ký hợp đồng huy động vốn hợp tác đầu tư với 387 nền đất liền kề. Việc này bị thanh tra đánh giá có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự.
Với dự án khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng trên diện tích 47.800 m2, Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An ký hợp đồng huy động vốn khi chưa có quyền sử dụng đất, chưa được phê duyệt dự án đầu tư, cấp phép xây dựng.
Từ năm 2018 và đến nay, công ty còn nợ tiền huy động vốn từ khách hàng khoảng 191 tỷ đồng. Hành vi này có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tải sản. Tiền huy động vốn từ khách hàng, công ty không thể hiện trên báo cáo tại chính nên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về kế toán.
Sau khi chỉ ra cái sai phạm và chuyển hồ sơ điều tra, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP HCM và Bình Dương các thời kỳ có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận.
Phạm Dự
Đăng thảo luận