Công ty của tôi ở quận 1, có hai chị nhà ở quận 12 và Gò Vấp (TP HCM). Sáng nào tôi cũng đã thấy hai chị đến sớm.

"6h kém là chị tranh thủ ra khỏi nhà, đưa con đi học rồi chạy lên công ty thật sớm, cho đỡ kẹt xe em ạ", một chị nói với tôi. "chỉ xê xích 10 phút, là kẹt xe thôi rồi em ạ", chị còn lại nói thêm.

Trong khi đó, tôi ở TP Thủ Đức, ung dung hơn vì có nhiều lựa chọn vào nội thành đi làm. Nếu đường Võ Nguyên Giáp, cầu Sài Gòn, đường Nguyễn Hữu Cảnh kẹt xe, tôi sẽ đi hướng cầu Ba Son hoặc hầm Thủ Thiêm.

Nhưng những người ở Gò Vấp thì không có nhiều lựa chọn. Trên mạng, một số người nói vui rằng từ lâu đã xem quận nơi mình sống như một ốc đảo, nếu không đi làm ở nội thành, họ cũng lười ra khỏi quận vì kẹt xe triền miên.

Thật vậy, nếu nhìn vào bản đồ, ta sẽ thấy sân bay Tân Sơn Nhất án ngữ một góc của quận, rồi kế đó là đường Phạm Văn Đồng thành một lát cắt ngang, phân ranh với Bình Thạnh.

Có lần, tôi cũng tính dọn qua quận Gò Vấp ở, vì nơi đây vui nhộn, có nhiều quán ăn, quán cà phê, nhưng trong một lần đi đưa đồ cho bạn, tôi đã bị ám ảnh vì kẹt xe không lối thoát ở đường Quang Trung, Nguyễn Thái Sơn, nên không dám dọn về.

Gò Vấp nằm ở phía bắc của thành phố, được đánh giá là một trong những quận còn quỹ đất lớn, nhưng đang phải đối mặt với tình trạng kẹt xe triền miên. Mặc dù có diện tích rộng, khoảng 19,73 km2, quận này lại là nơi có mật độ dân số rất cao, đạt đến 34.308 người/km2, với dân số năm 2019 khoảng 676.899 người, đứng thứ hai thành phố chỉ sau quận Bình Tân.

Từ những năm 1980, Gò Vấp đã nổi lên là một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của thành phố. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc hạ tầng giao thông chưa thể đáp ứng kịp tốc độ gia tăng dân số và xe cộ.

Người dân sống tại đây khi vào các quận phía trung tâm thường xuyên phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Một trong những điểm kẹt xe của giao thông Gò Vấp là vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, nơi mỗi sáng và chiều hàng nghìn phương tiện phải nhích từng chút một để vượt qua. Có những lúc, người dân phải mất hơn 30 phút để thoát khỏi đoạn đường dài chỉ vài trăm mét, khiến giao thông ở khu vực này trở nên vô cùng căng thẳng.

Đường Lê Lai, tuyến nối từ Nguyễn Thái Sơn ra đại lộ Phạm Văn Đồng, đã được đề xuất mở rộng để giảm tải áp lực giao thông cho khu vực, nhưng tiến độ cải thiện vẫn còn chậm.

Không chỉ những người sống tại Gò Vấp, mà ngay cả người dân quận 12 khi di chuyển qua lại khu vực cửa ngõ này cũng phải mất đến 2-3 tiếng mỗi ngày để vượt qua quãng đường chỉ dài một, hai km.

Nhiều người cho rằng mở rộng các tuyến đường và cải thiện hạ tầng giao thông sẽ là chìa khóa giúp giải quyết thế khó này. Theo tôi đúng, nhưng rất khó, vì bây giờ nhà cửa khu vực này ken đặc, mở rộng đường sẽ kéo theo số tiền đền bù rất lớn.

Tuy nhiên, còn một cách khác là ưu tiên phát triển về hướng Bắc, để giảm tải áp lực di chuyển cho người dân.

*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.

Phan Vĩnh