Ngày 11-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 19, Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên Hiệp Quốc lần thứ 14.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên Hiệp Quốc lần thứ 14 - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Quan hệ ASEAN - Liên Hiệp Quốc mang tầm chiến lược
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên Hiệp Quốc lần thứ 14, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đánh giá cao quan hệ Đối tác toàn diện ASEAN - Liên Hiệp Quốc đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, hiện đã thực sự trở thành mối quan hệ đối tác mang tầm chiến lược, mong muốn cùng ASEAN đẩy mạnh ưu tiên hợp tác trên bốn lĩnh vực bao gồm kết nối, tài chính, khí hậu, và bảo đảm hòa bình, trong đó nhấn mạnh coi trọng vai trò của ASEAN là người kết nối, kiến tạo và sứ giả hòa bình.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện trong Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 với tâm điểm là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai với ý nghĩa lịch sử.
Trước những vấn đề xảy ra hiện nay trên thế giới đều tác động đến toàn cầu, toàn dân, toàn diện, Thủ tướng nhấn mạnh phải đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế, nhất là vai trò, vị trí trung tâm, quan trọng của Liên Hiệp Quốc và cá nhân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng đề nghị ASEAN và Liên Hiệp Quốc cần tăng cường phối hợp hành động ứng phó với các thách thức toàn cầu, đóng góp tích cực cho phát triển xanh và bền vững.
ASEAN và Liên Hiệp Quốc cần phối hợp chặt chẽ, bảo đảm sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau trong triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các "Văn kiện vì tương lai" vừa được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai.
Thủ tướng nêu 3 đề xuất tăng cường hợp tác 'Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0'ĐỌC NGAY
Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời cảm ơn Liên Hiệp Quốc đã nhanh chóng hỗ trợ các nước ASEAN khắc phục những thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi gây ra.
Thủ tướng nhấn mạnh trên cơ sở cùng chia sẻ lợi ích và giá trị trong việc đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, ASEAN và Liên Hiệp Quốc cần tiếp tục phối hợp để đóng góp tích cực, hiệu quả vào nỗ lực chung bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới và khu vực Đông Nam Á.
ASEAN sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Liên Hiệp Quốc tiếp tục thúc đẩy gìn giữ hòa bình, tăng cường đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành các chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo đó, mong muốn Liên Hiệp Quốc quan tâm, đóng góp tích cực hơn nữa cho duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước UNCLOS 1982, góp phần xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Đánh giá cao và ủng hộ các nỗ lực, sáng kiến và đóng góp của Liên Hiệp Quốc và cá nhân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhằm giải quyết các xung đột và điểm nóng, trong đó có các cuộc xung đột ở Trung Đông hiện nay, Thủ tướng bày tỏ quan ngại về những ý kiến chỉ trích, thiếu công tâm, hành động gây cản trở, khó khăn cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong việc thực hiện trọng trách của mình, nhất là các nỗ lực trung gian hòa giải, cứu trợ nhân đạo và thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan hướng tới giải pháp lâu dài, bền vững.
Thủ tướng bày tỏ nhất trí cao với lời kêu gọi của các nước, của Liên Hiệp Quốc và cá nhân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về việc các bên liên quan cần chấm dứt tình trạng bạo lực, ngừng bắn ngay lập tức; đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân; thả con tin và thúc đẩy đàm phán hòa bình trên cơ sở "giải pháp hai nhà nước", phù hợp luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên liên quan và nhất là những người dân vô tội.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao kết quả Hội nghị thượng đỉnh Tương lai vừa qua, ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Liên Hiệp Quốc trong ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, cũng như các nỗ lực chung giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Hai bên nhất trí xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2026 - 2030, cũng như phối hợp triển khai hiệu quả lộ trình tương hỗ gắn kết Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.
Thủ tướng kỳ vọng EAS phát huy vai trò chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 19 - Ảnh: VGP
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 19, lãnh đạo các nước EAS khẳng định cam kết tiếp tục củng cố và tăng cường vai trò của EAS với tư cách là diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại và hợp tác về các vấn đề chiến lược, chính trị, kinh tế cùng quan tâm và có lợi ích nhằm mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, phù hợp với những mục tiêu, nguyên tắc và thể thức cơ bản của EAS.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng EAS phát huy hơn nữa vai trò và giá trị chiến lược là diễn đàn hàng đầu đối thoại về các vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển tại khu vực, nhằm thích ứng hiệu quả trước những biến chuyển của môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu hiện nay, thúc đẩy kết nối chặt chẽ hơn, tự cường mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và các đối tác EAS cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin chiến lược, gia tăng điểm đồng, giảm thiểu bất đồng, tôn trọng khác biệt, hướng đến tương lai, hành xử xây dựng, có trách nhiệm, chung tay ứng phó các thách thức chung.
Cùng định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch, đề cao luật pháp quốc tế với ASEAN giữ vai trò trung tâm, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tránh xung đột, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, mang lại ấm no hạnh phúc cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN bằng lời nói và hành động thực tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tự cường, tự chủ chiến lược là nền tảng của ASEAN
Thủ tướng trông đợi EAS tiên phong thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Đồng thời EAS cần tiên phong hành động để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, liên quan đến toàn dân như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh các hiện tượng khí hậu cực đoan vừa qua như bão Yagi ở Đông Nam Á hay bão Helene và Milton ở Mỹ.
Trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực như Biển Đông, Trung Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine.
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển tự cường, thịnh vượng và bền vững hiện nay.
Các đối tác khẳng định ủng hộ các nỗ lực, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề này.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm, nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và hàng hải trên Biển Đông.
Kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hạn chế bất đồng, khai thác điểm đồng, thúc đẩy hợp tác, đối thoại chân thành, tin cậy, hiệu quả, dựa trên luật lệ, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, tạo môi trường thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc COC thực chất, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Đăng thảo luận