Gần 100 tư liệu được trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm lưu động “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Ngày 6/12, tại thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng UBND thị xã Buôn Hồ tổ chức Triển lãm lưu động “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Tại Triển lãm, gần 100 tư liệu được trưng bày, giới thiệu theo các chủ đề: Bản đồ Việt Nam thời quân chủ (thế kỷ XVI - XIX) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản trích và Châu bản triều Nguyễn thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI - XIX) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ Trung Quốc do phương Tây và Trung Quốc xuất bản (thế kỷ XVI - XX) ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; các hình ảnh, tư liệu quần đảo Hoàng Sa trước năm 1975; một số hình ảnh về quần đảo Trường Sa hiện nay và các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ hải quân, nhân dân trên quần đảo Trường Sa…
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quốc Hiệp, Trưởng Ban tổ chức Triển lãm cho biết, nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định biển, đảo là một bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc và cùng với đất liền là không gian sinh tồn, phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2014 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có các triển lãm lưu động “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại một số huyện trên địa bàn tỉnh như: M’Drắk, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông, Ea H’leo, Cư Kuin.
Tại Triển lãm lần này, bản đồ và tư liệu trưng bày là bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Các tư liệu thể hiện nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến đến nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và ở nhiều nước trên thế giới.
Các tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu chính thống đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế; trong đó có các văn bản Hán-Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, các châu bản triều Nguyễn từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 8/12/2023.
Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha ta và khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong toàn thể nhân dân.
Đăng thảo luận