Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, giúp hội viên, nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số; tập huấn trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các cấp Hội duy trì, nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ Nông dân với Internet; tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet”. Qua đó, hướng dẫn hội viên, nông dân cách tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, địa chỉ tin cậy về giống, vốn, vật tư; giới thiệu và quảng bá nông sản; khai thác hiệu quả thông tin hữu ích trên mạng để phát triển kinh tế gia đình.

Tích cực hỗ trợ nông dân Nam Định ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất  第1张 Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. 

Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, đến nay, nhiều hội viên nông dân đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc cây trồng, quản lý trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để tìm kiếm thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm như: lắp đặt hệ thống camera giám sát từ xa; sử dụng tem điện tử thông minh (QR code) truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Ngoài các mô hình sản xuất rau, hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi tuần hoàn khép kín, lắp đặt máng ăn, uống tự động, có hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống camera giám sát quản lý toàn bộ quá trình chăm sóc, cho ăn, phát triển của vật nuôi.

Nông dân các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng đã tích hợp kiểm tra môi trường, nhiệt độ trên điện thoại di động thông minh để giám sát và điều khiển từ xa trong nuôi tôm; áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính…

Đặc biệt, từ tháng 4/2022, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025” tại tỉnh Nam Định. 

Theo đó, triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của tổ chức Hội Nông dân. Đến nay, đã có 400 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân trong tỉnh được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart, tạo thêm kênh phân phối bền vững cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của các địa phương.