Lễ Xên đông (trong tiếng Thái "xên” có nghĩa là cúng, "đông” có nghĩa là rừng, "xên đông” tức là cúng rừng) là một trong những tập quán xã hội và tín ngưỡng khá điển hình của đồng bào Thái ở khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 2319/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 về việc công bố Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đối với Lễ Xên đông (cúng rừng) của người Thái ở Nghĩa Lộ ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Theo Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Yên Bái, Lễ Xên đông (cúng rừng) có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người Thái. Trong tâm thức của mỗi người, ai cũng nhận biết được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống hằng ngày. Rừng chính là nơi bảo vệ cho bản mường luôn mát lành, đem lại cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt, cung cấp những nguồn nước sạch cho đồng bào, cung cấp cho con người những sản vật quý. Rừng đã góp phần nuôi sống con người và đến khi theo quy luật của tạo hóa, mỗi người qua đời, rừng lại đón về ấp ủ như người mẹ.
Với người Thái, giữ rừng đầu nguồn, rừng thiêng đã thành lệ của bản mường. Từ đời này sang đời khác, người Thái truyền nhau câu ca "Tai pá phăng, nhăng pá liệng" có nghĩa là "Sống rừng nuôi, chết rừng chôn." Vì vậy, việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, đến nay việc bảo vệ rừng đã trở thành lệ của bản mường.
Người Thái nơi đây, từ thế hệ cha ông đến nay vẫn luôn nhắc nhau: "Giữ rừng cho muôn đời phát triển, để cho muôn mó nước tuôn trào," đồng bào quan niệm ai nhớ được câu ấy thì mới thành người.
Lễ cúng được chuẩn bị chu đáo. (Nguồn: Vietnam+)
Đăng thảo luận