Sau hơn một năm khởi công, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mới đạt 16%. Nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ do thiếu hụt nguồn vật liệu.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chậm tiến độ chủ yếu do thiếu cát xử lý đất yếu và đắp nền đường - Ảnh: CHÍ HẠNH
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mới đạt 16%
Chính phủ cho biết như vậy khi báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Theo chủ trương được Quốc hội thông qua, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài 188,2km, quy mô đầu tư phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng.
Dự án khởi công ngày 17-6-2023 với tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2026, khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Nguồn cát thi công cao tốc: Nơi nhỏ giọt, nơi không có xe nàoĐỌC NGAY
Thời điểm khởi công, các địa phương đã hoàn thành, bàn giao trên 70% diện tích mặt bằng. Tính đến hết tháng 8-2024, đã hoàn thành và bàn giao khoảng 98% mặt bằng.
Tuy nhiên đến nay tiến độ dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, đặc biệt trong thi công nền đường, xử lý nền đất yếu.
Đến hết tháng 9-2024, sản lượng hoàn thành của toàn bộ dự án mới đạt 16% so với hợp đồng. Trong đó dự án thành phần 1 đạt 28%, dự án thành phần 2 đạt 10%, dự án thành phần 3 đạt 19%, dự án thành phần 4 đạt 6%.
Báo cáo do Chính phủ gửi Quốc hội cho biết nguyên nhân dự án chậm tiến độ chủ yếu do thiếu hụt nguồn cát đắp. Các dự án thành phần đều đi qua khu vực đất yếu, cần đắp gia tải, chờ lún trong khoảng 10-12 tháng. Vì vậy, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành các dự án thành phần chính là nguồn cát xử lý đất yếu và đắp nền đường.
Do ưu tiên cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Theo báo cáo do bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng thừa ủy quyền ký gửi Quốc hội, đến nay đã cơ bản xác định nguồn cung ứng cát đắp nền tại các dự án thành phần, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu theo tiến độ của các dự án thành phần. Cụ thể:
Dự án thành phần 1 (tỉnh An Giang): đã xác định đủ nguồn cát đáp ứng nhu cầu 9,3 triệu m3, tỉnh An Giang đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác 5,9 triệu m3.
Nhưng để đáp ứng tiến độ hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2025, nguồn cung cấp cát cho dự án thành phần 1 phải điều chuyển 200.000 m3 để thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Với khối lượng cát còn lại (3,6 triệu m3), UBND tỉnh An Giang đang rà soát, đánh giá lại toàn bộ trữ lượng các mỏ trên địa bàn để thực hiện.
Dự án thành phần 2 (TP Cần Thơ): đã xác định đủ nguồn đáp ứng nhu cầu 7 triệu m3 cát (tỉnh An Giang 3,3 triệu m3, tỉnh Tiền Giang 4,5 triệu m3). Với nguồn cát khai thác từ tỉnh An Giang đã đủ điều kiện khai thác nhưng phải điều chuyển 700.000 m3 để thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Còn nguồn cát khai thác từ tỉnh Tiền Giang hiện nay đang triển khai các thủ tục cấp phép, dự kiến khai thác cuối năm 2024.
Dự án thành phần 3 (tỉnh Hậu Giang): đã xác định đủ nguồn đáp ứng nhu cầu 6 triệu m3 cát (tỉnh An Giang 2,6 triệu m3, tỉnh Bến Tre 3,4 triệu m3). Nhưng nguồn cát khai thác từ tỉnh An Giang phải điều chuyển 500.000 m3 để thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Với nguồn cát từ tỉnh Bến Tre đang thực hiện thủ tục khai thác 1,6 triệu m3, dự kiến khai thác vào cuối năm 2024; phần còn thiếu khoảng 1,8 triệu m3, tỉnh Hậu Giang đang phối hợp với Bến Tre để khảo sát thêm các mỏ.
Dự án thành phần 4 (tỉnh Sóc Trăng): tỉnh này dự kiến khai thác tại 7 mỏ cát trên địa bàn tỉnh, trữ lượng đáp ứng nhu cầu 6,6 triệu m3. Tuy nhiên, kết quả khảo sát chỉ có 2 trong 7 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 760.000 m3 đáp ứng chất lượng, tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác. Với phần cát còn thiếu (5,84 triệu m3), dự kiến sử dụng nguồn cát biển (đang khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gặp hai khó khăn lớn
Theo đánh giá của Chính phủ, dự án cao tốc này gặp hai khó khăn lớn nhất là di dời hạ tầng kỹ thuật và nguồn cát đắp nền đường.
Việc di dời 314 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật là khâu khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Đến nay tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình điện cao thế thuộc phạm vi dự án rất chậm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương đang khẩn trương lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án và tiến hành di dời 15 công trình điện cao thế.
Mặc dù dự án đã được Quốc hội cho phép áp dụng một số chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu.
Tuy nhiên nguồn cung cấp cát, đất đắp nền đường vẫn là khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Đăng thảo luận