Công ty nguy cơ đền đơn hàng, tôi phải bắt con nghỉ việc ở một công ty FDI để về giúp đàm phán với các đối tác trên thế giới.

Tôi xin kể lại một lần " chết hụt" của tôi để chia sẻ với các bạn. Năm 2014 công ty tôi cung cấp phần thép khung và mái cho một công trình tại miền Đông Nam Bộ. Tổng khối lượng hơn hai ngàn tấn thép theo tiêu chuẩn riêng của công trình.

Chủ thầu, giám sát là người nước ngoài. Ban đầu chúng tôi đặt hàng tại một nhà máy thép tốp đầu trong nước sản xuất riêng, thử nghiệm nhiều lần đạt và vượt yêu cầu, nhưng khi giao được gần 700 tấn thì tổ giám sát người Anh bên A thông báo chất lượng không ổn định nên bắt ngừng thi công.

Chúng tôi tập trung mọi nguồn lực giải quyết, sau 10 ngày vẫn không thỏa mãn yêu cầu bên A, trong khi mỗi ngày chậm cấp vật tư là chúng tôi phải đền 30 triệu tiền nhân công thiết bị cho bên thi công chưa kể nếu chậm tiến độ cung cấp chủ đầu tư sẽ phạt 10% tổng giá trị vật tư nhưng thời hạn cho việc chậm trễ không quá 20 ngày.

Tôi phải huy động tìm kiếm các nhà máy thép trên thế giới như Australia, Đài Loan, Ấn Độ, Nga nhưng khó khăn là phải ngồi tại Việt Nam liên hệ trao đổi trực tiếp với các nhà máy đó, vì các tiêu chuẩn thép này đặc biệt hơn so với thép thông thường nên phải sản xuất riêng không có sẵn.

Vấn đề thời gian sản xuất, vận chuyển thông quan và gia công cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy phải trao đổi trực tiếp, cụ thể bằng tiếng Anh và phải giải quyết ngay đòi hỏi người đàm phán không chỉ hiểu, nói được tiếng Anh mà phải biết thuyết trình, đàm thoại tốt mới làm được chưa kể mỗi người, mỗi nước phát âm khác nhau lại trao đổi trên điện thoại, mail nên phiên dịch bình thường là không thể.

Bí quá tôi phải yêu cầu con tôi nghỉ việc tại công ty FDI về giải quyết cùng mới thoát được kiếp nạn đó. Nếu không ngoài việc thiệt hại tiền bạc, danh tiếng rất lớn còn phải chịu trách nhiệm pháp lý nữa.

Sau này mảng khách hàng nội địa khó khăn, nhờ vốn tiếng Anh của cháu mới kéo nhiều khách hàng mới là doanh nghiệp FDI bù lại, giúp doanh nghiệp ổn định.

Qua câu chuyện trên chúng ta mới thấy định hướng đưa môn tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vô cùng chính xác và thực tế việc dạy và học tiếng Anh của xã hội ta đang phát triển rất nhanh.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển hội nhập nên chúng ta buộc phải giao tiếp, quan hệ làm việc với tất cả các nước nhất là các nước tiên tiến. Nếu không biết tiếng Anh thì giao tiếp kiểu gì? Không lẽ mỗi người đi đâu cũng mang theo phiên dịch, gặp người nước ngoài là mở phần mềm dịch thuật.

Mù tiếng Anh giống như một người không biết nói, không biết viết ra xã hội thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo tôi dù tiếng Anh chỉ là một kỹ năng mềm nhưng nó sẽ mang đến cho mình nhiều cơ hội về việc làm, phát triển bản thân và thu nhập cao.

Các doanh nghiệp FDI hoạt động ở nhiều trong xã hội ta cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nước ngoài tạo ra nhiều cơ hội việc làm trên mọi lĩnh vực. Chúng ta muốn vào làm trong các công ty đó phải biết tiếng Anh nhất là muốn học tập nâng cao các kiến thức chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tất nhiên có một số lĩnh vực làm việc đơn giản không cần tiếng Anh nhưng đó chỉ mang lại những giá trị thấp và không bền vững dễ bị thay thế nhất là trong điều kiện cạnh tranh việc làm như hiện nay.

Một số người cho rằng làm kinh doanh tư nhân tại Việt Nam không cần tiếng Anh nếu cần thiết thì thuê phiên dịch hoặc sử dụng các phần mềm dịch thuật. Việc đó chỉ đúng phần nào với một số cơ sở công ty siêu nhỏ, muốn doanh nghiệp lớn không biết tiếng Anh thì không thể phát triển được.

Các bạn thấy mấy bà bán hàng xén, mấy cháu gái vùng cao bán đặc sản cũng biết tiếng Anh mới bán được nhiều chứ nói gì đến doanh nghiệp.

Nguyen Huong VT