Vuốt phẳng số tiền dành dụm trong ba tháng, bà Đặng Tố Nga, 82 tuổi, người bán bánh tại chợ Đồng Xuân Berlin, bỏ vào thùng quyên góp ủng hộ đồng bào bão lũ.

Trong hai ngày 15-16/9, hàng nghìn người Việt ở khắp nước Đức đổ về Trung tâm thương mại Đồng Xuân, ngôi chợ lớn nhất của người Việt tại đây, để chia sẻ nỗi đau với đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Kiều bào đã quyên góp được hơn 5 tỷ đồng.

Hình ảnh bà Đặng Tố Nga, người phụ nữ lớn tuổi nhất, ủng hộ 1.000 euro (27 triệu đồng) khiến nhiều người xúc động. Bà còn ủng hộ 100 euro cho Quỹ Sen Vàng chuyên hoạt động từ thiện ở Việt Nam.

Bà Tố Nga quê gốc Thanh Hóa, đang ở nhà xã hội và hưởng trợ cấp của chính phủ Đức. Nghề mưu sinh của bà là làm bánh nếp, bánh gai bỏ mối cho các sạp hàng tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân. Mỗi tháng bà để dành được 400 euro (khoảng 11 triệu đồng).

"Tiền trợ cấp của chính phủ đủ trang trải cuộc sống. Tiền kiếm được không làm gì nên tôi đi từ thiện", bà Nga nói.

Tháng trước, người phụ nữ 82 tuổi cũng ủng hộ 1.600 euro cho những người Việt mất trắng cơ nghiệp trong vụ cháy chợ ở Ba Lan.

Kiều bào quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ  第1张

Ông Nguyễn Văn Hiền (cầm micro), Tổng giám đốc Trung tâm thương mại Đồng Xuân giới thiệu tấm gương bà Tố Nga (thứ hai, hàng trên), người cao tuổi nhất tại buổi quyên góp ủng hộ đồng bào bão lũ, hôm 15/9, tại Berlin. Ảnh: LHHNVN

Tại Anh, ngay từ những ngày áp thấp mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông, cộng đồng người Việt đã cập nhật tin tức cho nhau và cầu mong bão sớm qua, thiệt hại ít.

"Nhưng năm nay bão quá khủng khiếp, ai cũng xót xa, nhất là các chị em xa nhà càng khó cầm lòng được", chị Oanh Lâm, trưởng ban từ thiện Hiệp hội phụ nữ và trẻ em Việt Nam tại Anh, nói.

Hội phát động chiến dịch ủng hộ cho bà con quê hương ngay từ những ngày đầu sau bão. Ngoài chuyển tiền về thông qua các tổ chức trong và ngoài nước, hội còn có sáng kiến kêu gọi thêm. Từ 10 ngày nay, hàng chục tiệm nail ở Anh treo những thông báo về bão lũ, để người nước ngoài tại đây cũng biết và ủng hộ tự nguyện.

Theo chị Oanh, việc này thể hiện tinh thần giữa các quốc gia với nhau. Khi các nước khác gặp vấn đề, cộng đồng người Việt cũng tương trợ như vậy. Đến nay họ quyên góp được hơn 200 triệu đồng.

"Số tiền thu về không quá lớn nhưng quan trọng hơn những người nước ngoài đó đều gửi những lời cầu nguyện và cái ôm ấm áp", chị Oanh cho biết.

Kiều bào quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ  第2张

Thiếu nhi Việt ở Anh biểu diễn tiết mục Trung thu chú Cuội tại sự kiện giao lưu văn hóa cuối tuần qua, đồng thời mang thùng để kêu gọi ủng hộ cho đồng bào trong nước bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ảnh: Jane Hương

Mỗi bát phở trích 2 AUD, sau 5 ngày quán của chị Thảo Nguyễn, 35 tuổi, ở Melbourne, Australia bán được 910 suất, tương đương gửi ủng hộ đồng bào 2.000 AUD (hơn 33 triệu đồng).

"Khi bão Yagi quét qua, kéo theo lũ lụt tàn phá các tỉnh phía Bắc, tôi xót xa và nhận thấy cần phải hành động ngay", chị Thảo nói.

Cùng nỗi lo, nỗi đau như chị, hàng trăm phụ nữ Việt khác sống ở Australia cũng thấy cần thiết phải chia sẻ nỗi đau, mất mát với đồng bào. Trong năm ngày từ 10 đến 14/9, Hội mẹ Việt tại Úc đã quyên góp được hơn 3,2 tỷ đồng.

Họ đồng thời triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp bằng việc gửi tiền về cho các đoàn từ thiện, các chùa và giáo xứ để tới được hầu hết các tỉnh đang chịu ảnh hưởng. Hàng cứu trợ gồm lương thực và các đồ thiết yếu tã, bỉm, sữa, với tổng số tiền khoảng 600 triệu đồng.

Giai đoạn hai tái thiết cuộc sống sẽ diễn ra đầu tháng 10, lúc đó một số thành viên trong cộng đồng sẽ về nước trực tiếp tặng cho bà con tiền mặt, gạo và thuốc men.

Chị Nguyễn Bảo Châu, quản trị viên cho biết Hội được thành lập 10 năm với hơn 26.000 thành viên. Ban đầu chỉ là chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, sau giúp đỡ các chị em bị bạo hành, sinh nở không có người thân, du học sinh có thai ngoài ý muốn hoặc các hoàn cảnh khó khăn. Từ Covid-19 và lũ miền Trung năm 2020, hội đã tổ chức quyên góp.

Tại Mỹ, chàng du học sinh Phạm Khánh Toàn, 22 tuổi và hai người bạn không về nước đi cứu trợ được đã quyết định thực hiện dự án "Chụp ảnh gửi tấm lòng về Việt Nam". Toàn chụp ảnh miễn phí cho người dân tại Quảng trường Thời đại (New York). Đổi lại, họ quyên góp và gửi những lời chúc tốt đẹp đến người dân Việt Nam.

Từ tối 12/9, Toàn đứng giữa quảng trường, giơ cao tấm biển "Free printed photos donate for Vietnam" (Chụp ảnh miễn phí để quyên góp cho Việt Nam). Nhưng mọi việc không suôn sẻ như Toàn tưởng tượng. Nhiều người chỉ đọc tấm biển và lướt qua. Toàn đã hỏi chuyện cả trăm người mới nhận được một sự đồng ý.

"Tôi không bỏ cuộc. Cuối cùng đã có những người dừng lại lắng nghe và thành tâm gửi những lời chúc may mắn cùng một khoản tiền ủng hộ", Toàn kể.

Kiều bào quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ  第3张

Một trong số những người được Toàn chụp ảnh và nhận lại ủng hộ cho đồng bào chịu ảnh hưởng bão Yagi. Ảnh: Phạm Khánh Toàn

Mục tiêu ban đầu của Toàn là gây quỹ 1.000 USD (25 triệu đồng) nhưng bất ngờ tới nay đã thu được 100 triệu. Anh đã gửi vào tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 25 triệu. Số tiền còn lại, anh đã gửi bố mẹ để chuẩn bị các phần quà tặng những gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại quận Hoàng Mai, nơi gia đình đang sinh sống.

Từ cách nửa vòng trái đất, chàng trai trẻ cho biết số tiền kêu gọi được không nhiều. "Song đây là sự đồng cảm, sẻ chia giữa người với người, không bị ngăn cản bởi khoảng cách địa lý, màu da hay ngôn ngữ", Toàn nói.

Bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho 20 tỉnh, thành, đặc biệt là lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 298 người chết, 35 người mất tích. Thống kê của các địa phương đến ngày 18/9, thiệt hại kinh tế khoảng 50.000 tỷ đồng (2 tỷ USD), gấp 5 lần thiệt hại vì thiên tai năm 2023 và cao hơn tổng ba năm gần nhất cộng lại.

Các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện, ủng hộ vật chất, tiền mặt dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ đã diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước. Tính riêng số tiền người dân trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tính đến 17h00 ngày 16/9 là 1.236 tỷ đồng.

Phan Dương - Quỳnh Nguyễn