Năm trong số 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới đang tham gia phát triển, sản xuất thiết bị và phần cứng cho kính thông minh.
Theo The Elec, Microsoft sắp đặt mua hàng trăm nghìn tấm OLED từ Samsung cho một thiết bị sẽ được sản xuất hàng loạt năm 2026. Nguồn tin nhấn mạnh đây là kính thông minh dành cho điện toán không gian, không chỉ là thực tế ảo đơn thuần.
Minh họa về vũ trụ ảo. Ảnh: CoinTelegraph
Một nguồn tin nói với The Verge rằng kính mới của Microsoft không được thiết kế dành riêng cho metaverse mà sẽ có nhiều ứng dụng hơn cho cả công việc lẫn giải trí. Nó ra đời để cạnh tranh với Vision Pro của Apple và được cho là tách biệt với dòng sản phẩm HoloLens.
Theo Road to VR, thiết bị của Micrsoft hướng đến mục tiêu hiển thị nội dung trên màn hình ảo lớn như Vision Pro, thay vì một hệ thống thực tế ảo hoặc tăng cường phức tạp hơn. Microsoft trước đây được cho là cũng đã thử nghiệm tính năng này với kính HoloLens và Windows Mixed Reality, nhưng hãng hiện giảm đầu tư vào nhóm HoloLens, đồng thời ngừng phát triển Windows Mixed Reality từ năm ngoái.
Microsoft chưa đưa ra bình luận.
Theo CoinTelegraph, sự cường điệu trong tiếp thị và sự thiếu thống nhất trong quan niệm metaverse thời gian qua dẫn đến nhận thức rằng công nghệ này đang chết dần. Tuy nhiên, mọi thứ cho thấy điều ngược lại, với phần cứng đang nở rộ hơn.
Hiện 5 trong số 10 công ty công nghệ có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất trên toàn cầu, gồm Apple, Google, Meta, Microsoft và Nvidia, đều đang phát triển thiết bị liên quan đến metaverse ở mức độ nhất định. Một số nguồn tin cho biết Apple đang xây dựng mẫu Vision Pro thế hệ hai với nhiều tính năng cùng mức giá dễ tiếp cận hơn. Google đã bắt tay hợp tác với Magic Leap trong việc tạo ra kính thực tế hỗn hợp mới, dù cả hai từng thất bại trong quá khứ.
Meta vẫn kiên trì đổ hàng tỷ USD để phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm. Bộ phận Reality Labs hiện phát triển các mẫu kính Meta Quest, Meta Rayban, cũng như nền tảng vũ trụ ảo Meta Horizon Worlds. Dù vậy, nỗ lực của Meta chưa đạt kết quả. Trong báo cáo tài chính quý II/2024, công ty của Mark Zuckerberg tiếp tục lỗ 4,48 tỷ USD, cao hơn mức 3,85 tỷ USD quý trước đó. Tính rộng hơn, từ khi đổi tên từ Facebook thành Meta để theo đuổi vũ trụ ảo cuối 2020, bộ phận Reality Labs đã khiến cho mạng xã hội lỗ tổng cộng hơn 50 tỷ USD, theo CNBC.
Dù không rầm rộ như những hãng kể trên, Nvidia cũng đang phát triển hệ thống phần cứng có liên quan đến metaverse. GPU của họ hiện cung cấp cả khả năng xử lý đồ họa và AI cần thiết để mang vũ trụ kỹ thuật số vào cuộc sống.
Thuật ngữ metaverse được tác giả Neal Stephensen đề cập từ năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash. Nó mô tả một thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau qua hình đại diện kỹ thuật số. Hiện chưa có khái niệm thống nhất về metaverse, nhưng các công ty công nghệ tin vũ trụ ảo không chỉ là nơi tái hiện sống động trải nghiệm đời thực trong môi trường số mà còn tích hợp cả hai môi trường này với nhau.
Thiết bị cho vũ trụ ảo metaverse cũng chưa được định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bất kỳ thiết bị đeo có màn hình, như kính thông minh, dùng để tương tác với metaverse "tùy theo mức độ khác nhau" có thể được xếp vào danh mục sản phẩm phục vụ cho vũ trụ ảo.
Bảo Lâm
- Zuckerberg từng nổi giận vì bị chê avatar vũ trụ ảo
- Meta của Mark Zuckerberg mất 46,5 tỷ USD vì vũ trụ ảo
- Kính thực tế ảo Vision Pro được điều khiển bằng suy nghĩ
- Mark Zuckerberg lại chê kính Vision Pro
Đăng thảo luận