Thôn Tân Bình (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) với 200 hộ dân loay hoay trong 10 năm qua khi đời sống bị ảnh hưởng quá nặng nề vì vướng 4 quy hoạch.
Ở thôn Tân Bình, nhiều gia đình gặp phải hoàn cảnh nhà xuống cấp nhưng không được sửa, đường sá thì mở đến tận móng nhà - Ảnh: M.V.
Các quy hoạch chồng lên nhau khiến cho người dân thôn Tân Bình giống như bị “trói hết tay chân” bởi các hoạt động dân sinh đều bị ảnh hưởng, ngưng trệ.
Dân có nhà mà phải đi ở nhà thuê
Cụ thể, thôn Tân Bình nằm trong 4 quy hoạch dự án Trường đại học Tôn Đức Thắng, quy hoạch chi tiết dọc đường Tô Hiến Thành, khu du lịch sinh thái núi Sa Pung, vành đai xanh đường tránh phía nam TP Bảo Lộc.
Theo ông Vũ Văn Vân - chủ tịch UBND xã Lộc Châu, 4 quy hoạch trên bao trùm gần hết diện tích của thôn Tân Bình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của 200 hộ dân.
Ông Cao Văn Tiến sinh sống ở thôn Tân Bình than thở: “Năm 2023, tôi sửa nhà. Khi tháo dỡ xong căn nhà cấp 4 cũ kỹ để xây mới thì chính quyền địa phương yêu cầu tạm ngưng do công trình nằm trong vùng quy hoạch dự án.
Nhà cũ đã phá bỏ, nhà mới không được hoàn thiện nên gia đình tôi buộc phải thuê nhà của một hộ dân trong xóm để sống và chờ được cởi trói quy hoạch”.
Ông Tiến bức xúc: “Nhà nước muốn làm gì thì làm lẹ để dân có tiền đền bù kiếm chỗ ở mới. Quy hoạch chồng lên quy hoạch kiểu này chúng tôi chịu không nổi. Trong trường hợp quy hoạch không phù hợp thì hủy bỏ để người dân ổn định cuộc sống".
Chuyện lạ: Đất ở nhưng không được... ởĐỌC NGAY
Gia đình ông Lôi Văn Lực phải sống trong căn nhà cấp 4 rộng khoảng 60m2 đã xuống cấp.
Ông Lực cho hay căn nhà được ông xây dựng từ hàng chục năm trước với kết cấu chủ yếu là tường gạch, vách gỗ, lợp tôn.
Hiện nay, vào ngày mưa, căn nhà bị thấm dột, ẩm ướt nhưng gia đình phải chấp nhận do không được xây mới.
Nhà của ông Lực nằm trong vùng quy hoạch dự án Trường đại học Tôn Đức Thắng.
Đất sản xuất của người dân ở đây cũng bị tình trạng chồng quy hoạch nhiều năm nhưng không được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn - trưởng thôn Tân Bình - cho biết đất vướng quy hoạch, nông dân không dám trồng cây lâu năm có giá trị như sầu riêng, măng cụt, cà phê… vì không biết cơ quan chức năng thu hồi khi nào.
"Mọi chuyện cứ lấp lửng rất khó xử. Nhiều hộ trong thôn có nhu cầu tách thửa để chia cho con nhưng không thể thực hiện.
Một số hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có nhu cầu vay vốn để đầu tư, phát triển kinh tế nhưng không được chấp nhận” - ông Toàn nói.
Quy hoạch nhiều nhưng không tới đâu
Theo UBND TP Bảo Lộc, quy hoạch Trường đại học Tôn Đức Thắng được phê duyệt vào năm 2010, điều chỉnh vào năm 2014 với diện tích điều chỉnh hơn 40ha.
Diện tích này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã triển khai dự án.
Đường sá, hạ tầng của thôn nhỏ Tân Bình đang được sửa chữa nhưng các hoạt động dân sinh đều bị ngưng trệ - Ảnh: M.V.
Đến năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chấp thuận ranh giới, diện tích đất thu hồi, giao bổ sung cho Trường đại học Tôn Đức Thắng 7,5ha.
Đến nay việc giải phóng mặt bằng phần diện tích này chưa hoàn tất do người dân chưa đồng thuận về giá trị bồi thường.
Còn quy hoạch Khu du lịch sinh thái núi Sa Pung là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng với quy mô 432ha. Hiện phạm vi dự án có một phần diện tích nằm trong quy hoạch khai thác quặng nên chưa hoàn tất thẩm định phê duyệt.
Quy hoạch vành đai xanh đường tránh phía nam TP Bảo Lộc được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt có xác định hành lang xanh mỗi bên 50m. UBND TP Bảo Lộc đang thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung.
Đối với quy hoạch chi tiết dọc đường Tô Hiến Thành, UBND TP Bảo Lộc đang thực hiện rà soát các đồ án quy hoạch để thực hiện điều chỉnh theo quy định.
Dân đã kiến nghị rà soát quy hoạch
Ông Vũ Văn Vân - chủ tịch UBND xã Lộc Châu - cho biết thời gian qua, người dân ở thôn Tân Bình đã kiến nghị việc cuộc sống bị ảnh hưởng do liên quan 4 quy hoạch.
Địa phương đã có kiến nghị cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; đồng thời kiến nghị hủy bỏ đối với các dự án không thực hiện.
Đăng thảo luận