Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đánh giá tuyến buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) được người dân ủng hộ, 'chấm điểm' cao chất lượng.

Tuyến buýt điện đầu tiên ở TP.HCM mỗi ngày chở 3.000 khách  第1张

Tuyến buýt điện đầu tiên ở TP.HCM D4 được người dân ủng hộ, đạt khoảng 3.000 lượt khách/ngày - Ảnh: TIẾN QUỐC

Nhiều người dân cho rằng xe buýt điện không chỉ bảo vệ môi trường mà chất lượng phục vụ tốt, êm ái, có WiFi...

Theo đại diện VinBus - đơn vị vận hành tuyến buýt điện D4, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, tuyến đã vận chuyển được gần 2,8 triệu lượt hành khách, trung bình khoảng 3.000 hành khách/ngày, khoảng 30 khách/chuyến.

Theo ghi nhận từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, tuyến D4 nằm trong nhóm các tuyến có sản lượng hành khách cao trên toàn mạng buýt hiện nay.

"Thời gian qua tuyến buýt điện D4 vận hành thí điểm được người dân tin tưởng và lựa chọn làm phương tiện đi làm, đi học, đi chơi… thuận tiện hơn. Đồng thời, VinBus cũng được lãnh đạo các cấp quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng để công ty đưa tuyến xe đi vào hoạt động.

VinBus kỳ vọng xe buýt điện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố, góp phần thúc đẩy người dân chuyển đổi xe cá nhân sang sử dụng xe công cộng, giúp giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường", đại diện VinBus cho hay.

Cũng theo đại diện VinBus, thời gian tới VinBus dự kiến tham gia đấu thầu mở rộng mạng lưới tuyến sau khi Sở Giao thông vận tải TP.HCM xây dựng trình UBND TP.HCM ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng cho xe buýt điện và tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt điện D5, D6, D7.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức) - khẳng định việc chuyển đổi sang xe buýt điện ở TP.HCM là xu hướng của thế giới.

Dù vậy, hiện chi phí đầu tư buýt điện cao gấp 2-3 lần (so với đầu tư các dòng xe trước nay) nên các doanh nghiệp sẽ bị áp lực tài chính. Thành phố cần nghiên cứu cụ thể hơn về cơ chế, chính sách trợ giá vận hành, có thể tính toán cho đấu thầu nhiều tuyến cùng lúc để giảm bớt chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, nghiên cứu trợ giá phù hợp...

Đồng thời phải giải quyết vấn đề về hệ thống trạm sạc điện, TP.HCM chú trọng đầu tư hạ tầng trạm sạc chung phủ sóng để nhiều doanh nghiệp vận tải cùng sử dụng.

Phủ buýt điện vào năm 2030, TP.HCM đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã hoàn thiện đề án với nhiều chính sách hấp dẫn để các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xe buýt điện... Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 toàn bộ xe buýt TP.HCM sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo đó nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế được vay vốn đầu tư tại Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM để chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh và đầu tư trạm sạc.

Đối với chính sách chuyển đổi phương tiện, mức vốn vay tối đa 85% tổng mức đầu tư của dự án. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỉ đồng/dự án.

Lãi suất vay cố định 3% đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay được công bố của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP với lãi suất vay cố định.

Đối với chính sách đầu tư trạm sạc, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án. Mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỉ đồng/dự án.

Lãi suất vay bằng 50% mức lãi suất cho vay được công bố của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay. Ngân sách TP sẽ hỗ trợ 50% mức lãi suất còn lại...