YênBái - Mới đây, Công an tỉnh Yên Bái vừa công khai danh sách các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Theo đó, các đơn vị doanh nghiệp vi phạm có hầu hết ở các địa phương trong tỉnh như: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên… và thành phố Yên Bái. Đáng suy nghĩ, trong danh sách 10 doanh nghiệp mà Công an tỉnh công bố đều là những đơn vị, doanh nghiệp có quy mô lớn và hoạt động lâu năm.
Cán bộ công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn kiểm tra thiết bị phòng cháy tại phân xưởng xản xuất.
>> Yên Bái: "3 tự”, "4 tại chỗ” bảo đảm "3 an”
>> Không chủ quan với "giặc lửa”!
>> Yên Bái tăng cường an toàn phòng cháy ở khu dân cư
Có thể điểm lại những vi phạm khiến doanh nghiệp bị xử lý với số tiền phạt lớn. Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ là Công ty Cổ phần Sân gôn Ngôi Sao Yên Bái (huyện Trấn Yên) bị xử phạt 170 triệu đồng và đình chỉ hoạt động đối với Nhà điều hành Club House và nhà sửa chữa, bảo dưỡng xe điện, vì đưa hạng mục công trình Nhà điều hành Club House vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC. Bị xử phạt với số tiền 170 triệu đồng là Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K quốc tế (huyện Lục Yên), khi đưa 2 hạng mục công trình nhà xưởng có diện tích 2.660,4 m² và 2.342,7 m2 vào sử dụng, hoạt động cũng với lý do tương tự. Lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động đối với 2 hạng mục công trình nhà xưởng này.Đơn vị tiếp theo là Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An Việt Nam (thành phố Yên Bái) bị xử phạt 118,8 triệu đồng và đình chỉ hoạt động xưởng số 5, số 6 do cải tạo công trình khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC; đưa hạng mục công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
Lực lượng chức năng cũng xử phạt Chi nhánh tại Yên Bái Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà (huyện Văn Yên) 98 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của nhà kho chứa hàng hóa do doanh nghiệp đưa hạng mục công trình này vào hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Trên đây chỉ là 4 trong số 138 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm các quy đình về PCCC mà lực lượng chức năng phát hiện qua công tác kiểm tra trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Việc Công an tỉnh Yên Bái công khai danh sách 10 doanh nghiệp vi phạm các quy định về PCCC là một động thái tích cực và cần thiết. Công khai thông tin sẽ giúp doanh nghiệp, đơn vị, người lao động, nhất là cơ quan quản lý địa phương hiểu rõ hơn về tình hình PCCC tại những cơ sở trên địa bàn mình, từ đó có thể giám sát và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng quy định.
Đây là một thông điệp rõ ràng gửi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và đảm bảo an toàn PCCC, thúc đẩy các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy nổ. Việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy nổ, bảo vệ tính mạng và tài sản của doanh nghiệp.
>> Công an tỉnh Yên Bái công khai 10 cơ sở doanh nghiệp không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy
Tổ PCCC Cửa hàng Xăng dầu số 1, Công ty Xăng dầu Yên Bái sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ trong diễn tập PCCC.
Để đạt được hiệu quả bền vững trong công tác PCCC tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trước hết, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như: tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, tập huấn, triển lãm về PCCC, qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để phổ biến kiến thức, nhất là các quy định của Luật PCCC, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng cháy…
Trong đó, tuyên truyền trực tiếp đến các chủ cơ sở, người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong các bộ phận có nguy cơ cháy nổ cao, để mọi người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của công tác PCCC; phát huy tinh thần "3 tự” (tự nguyện, tự phòng, tự quản), phương châm "4 tại chỗ” trong PCCC.
Cần quan tâm hỗ trợ các cơ sở tổ chức các buổi tập huấn về kỹ năng sử dụng các phương tiện chữa cháy, cách sơ tán khi xảy ra cháy nổ; cung cấp các chính sách để các cơ sở đầu tư trang bị các thiết bị, cải tạo hệ thống PCCC. Sử dụng các ứng dụng, phần mềm để quản lý thông tin về PCCC, cảnh báo sớm khi xảy ra cháy nổ. Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong tư vấn, thiết kế, xây dựng, thẩm định hệ thống, phương án PCCC để cùng nhau nâng cao nhận thức và năng lực PCCC.
Các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng Yên Bái cần xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh để nắm rõ tình hình và có biện pháp quản lý phù hợp; thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đánh giá mức độ chấp hành các quy định về PCCC, để đảm bảo các doanh nghiệp đã khắc phục những thiếu sót và tuân thủ đúng quy định.
Đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm quy định, tạo sức răn đe. Qua đó, tạo ra một văn hóa an toàn trong sản xuất kinh doanh, mỗi người đều có ý thức phòng ngừa, giảm thiểu đáng kể nguy cơ cháy nổ, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Việc nâng cao nhận thức về PCCC trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Yên Bái là vô cùng quan trọng. Vấn đề đảm bảo an toàn PCCC nói chung, PCCC trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nói riêng chưa bao giờ được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm như thời điểm hiện nay. Bởi, một khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh để xảy ra hỏa hoạn sẽ gây nên hậu quả rất lớn về kinh tế cũng như xã hội, đòi hỏi sự nỗ lực của cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người lao động, cấp ủy, chính quyền địa phương để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn.
Thành Trung
Tags Yên Bái pháp luật phòng cháy chữa cháy đơn vị doanh nghiệp
Đăng thảo luận