'Tôi đi bộ một chân trên vỉa hè, một chân dưới lề đường, nhiều khi đi kiểu vòng số tám, nhưng hễ dừng lại là bị người bán hàng đuổi'.

"Ở ta, nhiều khu phố vỉa có hè rộng hơn một mét nhưng người ta vẫn quy hoạch kẻ vạch chia đôi, một nửa để xe máy và một nửa dành cho người đi bộ. Rốt cuộc, người đi bộ một chân đặt trên vỉa hè, một chân đặt dưới lề đường, hoặc nhiều khi phải đi kiểu vòng số tám, nếu không thì có thể đâm cả người vào cột điện hoặc gốc cây cũng nên.

Có lúc tôi đang đi bộ, mặc dù là dưới lòng đường (vì vỉa hè đã bị chiếm hết) nhưng bất chợt dừng lại để chờ ai hoặc đứng nghe điện thoại thôi cũng bị người bán hàng trên vỉa hè lao ra đuổi và chửi bới rất hung dữ với ngôn từ vô văn hóa. Đáng buồn là xung quanh đông người nhưng không ai phản ứng gì. Phải chăng người Việt cho đó là chuyện bình thường?".

Đó là chia sẻ của độc giả Nhật Lê xung quanh thông tin "Hà Nội trong top điểm đến tệ nhất với khách đi bộ". Thủ đô của Việt Nam là cái tên thứ ba được nhắc đến trong danh sách, sau Cairo (Ai Cập) và Houston, Texas (Mỹ). Dưới góc nhìn của khách, vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội đều chật kín xe máy hoặc kê đầy bàn ghế của các hộ kinh doanh. Khách thường phải len lỏi qua các bộ bàn ghế hoặc đi bộ dưới lòng đường.

Đồng cảm với nỗi khó chịu khi đi bộ ở Việt Nam, bạn đọc Danielnguyen bình luận: "Ở TP HCM, Hà Nội, hầu hết các vỉa hè đã bị người dân lấn chiếm để bán hàng hết rồi. Tôi thấy gần như họ lấn ra đến tận mép đường xe chạy luôn. Ai muốn đi bộ thì chỉ còn cách đi vào phần lòng đường xe chạy, rất nguy hiểm. Đây là câu chuyện tồn tại từ rất lâu, nhưng đến nay chúng ta vẫn không giải quyết được. Trong khi đó, tôi đi Bali, thấy đường phố của họ cũng nhỏ, nhưng xe hơi chạy được hai chiều, xe máy dựng chéo 45 độ trên vỉa hè, để sát mép đường xe chạy, phía bên trong là dành cho người đi bộ, nên rất an toàn".

>> Dòng xe lao qua bất chấp khi bé trai giơ tay xin nhường đường

Nói về nguyên nhân khiến việc đi bộ ở Việt Nam trở thành nỗi ác mộng, độc giả Thyhoang cho rằng: "Vấn đề là quy hoạch chậm, đặc biệt là tàu điện và hai bên sông Hồng. Chúng ta thiếu quá nhiều tuyến Metro phục vụ người đi bộ. Trong khi đó, thành phố vẫn để người dân xây dựng quá nhiều nhà riêng lẻ, tốn diện tích, hay lấn chiếm vỉa hè, nên đi bộ càng khó.

Quanh Hà Nội, tôi thấy đầy nhà mái tôn, chẳng có quy hoạch gì, thế nên cứ mỗi mùa mưa bão là rất nguy hiểm cho người đi bộ khi lưu thông. Cây trồng trên vỉa hè cũng rất bé, thiếu chắc chắn nên mưa bão là dễ gãy đổ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Đi bộ vừa rèn luyện sức khỏe, lại tốt cho môi trường, nhưng chúng ta lại quá chậm trong quy hoạch nên người dân phải chịu thiệt thòi".

"Nếu không có quy hoạch về bãi đỗ xe thì người đi bộ còn lâu mới thoải mái di chuyển được. Tôi làm hướng dẫn viên du lịch ở Hoàn Kiếm, lần nào dẫn khách cũng phải đi xuống lòng đường, bởi vỉa hè đã bị những phương tiện giao thông, hàng trong chiếm hết rồi", bạn đọc Robuxcuatoi nói thêm.

Nhấn mạnh việc phát triển giao thông công cộng và cấm xe máy vào nội đô là nhiệm vụ hàng đầu để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, độc giả Rehn kết lại: "Tại nội thành Hà Nội, nói chung có hai nhóm đối tượng đang chiếm dụng vỉa hè là phương tiện cá nhân (chủ yếu là xe máy và ôtô) và người buôn bán (nhà kinh doanh mặt phố, hàng rong tự phát, quán nước, điểm trông xe...). Nguyên nhân là vì giao thông công cộng chưa phát triển, nên người dân hầu như vẫn đi xe cá nhân (đặc biệt là xe máy).

Trong khi đó, lực lượng chức năng địa phương nhiều khi chỉ phạt người lấn chiếm vỉa hè lấy lệ, sau mỗi đợt ra quân là đâu lại vào đó. Để ngăn chặn được tình trạng này, theo tôi phải phát triển giao thông công cộng và từng bước cấm xe máy vào nội đô. Chính quyền địa phương phải thực sự vận động người dân tuân thủ và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Chừng nào chưa có lộ trình phát triển giao thông công cộng nhanh, rõ ràng và chính quyền địa phương chưa thực sự mạnh tay với các hành vi lấn chiếm thì vỉa hè Hà Nội sẽ mãi lọt top không thân thiện cho người đi bộ".

Thành Lê tổng hợp