Nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách cho rằng lập luận "áp thuế VAT 5% với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế, có dư địa giảm giá bán" là không thuyết phục.
Ngày 29/8, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai phương án được đưa ra để lấy ý kiến. Phương án 1, phân bón, tàu khai thác thủy sản xa bờ, lưu ký chứng khoán... sẽ chịu thuế VAT 5%, thay vì không chịu thuế hiện nay.
Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành, tức phân bón là mặt hàng không chịu thuế.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Giá thành và giá bán là khác nhau. Có thể giá bán dưới giá thành, nhưng bối cảnh kinh tế thị trường, giá bán phải phù hợp với quốc tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách có thêm 5.700 tỷ đồng, doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỷ đồng mỗi năm khi áp thuế 5% với phân bón. Tức là, ngân sách vẫn dư 4.200 tỷ đồng nếu mặt hàng này được áp thuế VAT. Nhưng ông Giang cho hay, các chuyên gia kinh tế đánh giá ngân sách không hoàn toàn thu được khoản như vậy.
Vì thế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát luật đề nghị cần đánh giá chính xác việc đánh thuế 5% thì doanh nghiệp được hoàn lại bao nhiêu, ngân sách thu được bao nhiêu, người dân bị ảnh hưởng thế nào.
"Vừa qua, để phục hồi kinh tế, chúng ta cố gắng giảm 2% VAT để kích thích tiêu dùng, nay lại đánh thuế VAT 5% để giảm giá bán phân bón là không phù hợp", ông Giang nói, đề nghị không áp thuế VAT với phân bón, tức giữ như hiện hành.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, tại phiên thảo luận ngày 29/8. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đồng tình, ông Dương Khắc Mai, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Đăk Nông cho rằng nếu đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT, thuế suất 5% có thể giải quyết bất cập cho doanh nghiệp khi họ được hoàn thuế đầu vào. Tuy nhiên, việc này sẽ làm tăng giá phân bón, tác động tới sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra và có dư địa giảm giá bán khi áp thuế VAT 5% với mặt hàng này.
Ông Dương Khắc Mai nêu quan điểm việc kinh doanh của doanh nghiệp vận hành theo thị trường, việc áp thuế 5% không thể bảo đảm giá phân bón giảm diễn ra hay không. Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp làm việc này. Vì thế, ông đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, tức phân bón không phải mặt hàng chịu thuế VAT.
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh, phát biểu tại phiên thảo luận sáng 29/8. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Ở góc nhìn khác, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng không nên căn cứ việc giá cao hay thấp, tăng giá hay không, mà cần đánh giá tác động tổng thể, giữa được - mất khi tính toán áp dụng chính sách.
"Một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam mà không có ngành sản xuất phân bón trong nước, chính sách cứ phải chỉnh lên, xuống là không ổn", ông An nói.
Ông đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính Ngân sách, là nếu áp thuế VAT 5%, các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán, tức không phải giảm giá ngay. Cùng với đó là cơ hội thu thuế của doanh nghiệp nhập khẩu.
"Nếu đi vào chuyện tăng thuế sẽ làm tăng hay giảm giá bán thì không giải quyết được, ngành sản xuất phân bón vẫn diễn ra như cách đây 10 năm, vẫn phụ thuộc thế giới, hàng nhập khẩu. Việt Nam cần có ngành sản xuất phân bón hiện đại, không phụ thuộc sản phẩm nhập khẩu. Có ngành sản xuất nội địa phát triển, nông dân sẽ được lợi", ông nói.
Để hài hòa lợi ích doanh nghiệp, nông dân, ông Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế đề nghị đưa phân bón vào diện mặt hàng chịu thuế, áp thuế suất 0%. Việc này giúp doanh nghiệp được hoàn thuế, khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy Văn hóa giáo dục cũng nói đây cũng là giải pháp để ngân sách thu được thuế, Việt Nam có nền sản xuất phân bón nội địa, không phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tuy vậy, ông Trịnh Xuân An cho hay, thuế suất 0% chỉ áp cho hàng xuất khẩu, theo quy định của Luật Thuế VAT. Chưa kể, nếu áp thuế 0% để doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế thì phải bỏ ngân sách ra để hoàn là "vô lý vì ngân sách lấy từ đâu để hoàn khi không có khoản thu ghi nhận". Vì thế, ông An đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế, thuế suất 0%.
Trước lo ngại giá bán phân bón sẽ tăng, ông An nhìn nhận có thể tăng ở mức độ nào đó, nhưng đây là mặt hàng bình ổn, Nhà nước có thể tính toán các chính sách khác hỗ trợ. Chẳng hạn, khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà chức trách tính toán, nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực này để tránh ảnh hưởng tới giá bán.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10.
Đăng thảo luận