TTO - Nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận giải pháp sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Thực tế đã thấy cần giải pháp có tính ràng buộc.

Các học giả thảo luận bên lề hội thảo quốc tế về tình hình sử dụng nguồn nước sông Mekong ngày 22-4 - Ảnh: Chí Quốc

Hội thảo do Đại học Cần Thơ, Quỹ Hòa bình & phát triển TP.HCM và Trung tâm nghiên cứu xã hội & giáo dục Trí Việt đồng tổ chức ngày 22-4 tại TP Cần Thơ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại hội thảo, vấn đề xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, đặc biệt các đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào, đã được hầu hết đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc.

“Con tin” Mekong

Mọi người đều biết rằng sông Mekong gắn liền với cuộc sống của 65 triệu dân các nước.

GS Pou Sovachana, phó giám đốc Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia, nói thẳng: “Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát dòng sông Mekong, giống như dòng sông này bị bắt làm con tin trong việc xây dựng các đập thủy điện. Chúng ta cần cộng tác với nhau trên tinh thần quốc tế để giảm tác động tới hạ nguồn”.

GS Pou Sovachana cho rằng không chỉ người dân ĐBSCL, ngay cả khu vực hồ Tonle Sap liên quan tới nguồn sống và sinh kế của 3 triệu người Campuchia cũng bị ảnh hưởng nặng nề do việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Quốc và các nước thượng nguồn, không chỉ tạo ra thiệt hại nhãn tiền mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong tương lai.

Về giải pháp, GS Pou Sovachana nêu “không biết ở Việt Nam thế nào chứ ở Campuchia thủy điện là vấn đề rất nhạy cảm”, vì vậy cần tiếp tục có diễn đàn để thảo luận cởi mở, mời cả lãnh đạo chính trị, nhà hoạch định chính sách cùng tham dự.

Ông đề nghị các quốc gia khi quyết định xây đập thủy điện cần thực hiện các nghiên cứu về tác động môi trường do chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện. Mọi quyết định về xây dựng cần tham vấn những đề xuất từ nghiên cứu như vậy.

Trước mắt, có thể giảm thiểu tác động của thủy điện bằng giải pháp công nghệ cao với những nghiên cứu toàn diện, thấu đáo để có giải pháp lưỡng toàn, vừa khai thác thủy điện nhưng vừa đảm bảo sinh thái, sinh kế của người dân.

Để làm được những giải pháp trên, ông Sovachana cho rằng các quốc gia chia sẻ nguồn lợi từ sông Mekong cần phối hợp trên quan điểm lợi ích, quyền lợi chung để có cuộc sống hòa bình cùng nhau.

Ông Brian Eyler, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson, Mỹ), cho rằng nhìn lại một năm, đặc biệt hai tuần qua, thấy hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL thêm trầm trọng mà theo ông, ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, các đập thủy điện ở Trung Quốc, Lào, Campuchia không thể không liên quan.

Ông nói năm ngoái tại một hội nghị ở Phnom Penh (Campuchia), ông đã trao đổi trong Ủy hội sông Mekong là phải làm sao cho các đập ở sông Mekong ít đi và thực tế sau đó số đập có giảm so với kế hoạch ban đầu nhưng theo ông, “câu chuyện chiến đấu của khu vực sông Mekong vẫn là câu chuyện lâu dài dù Lào chỉ xây 60% so với kế hoạch ban đầu”.

Ông Brian Eyler cảnh báo “nếu xây được một đập rồi thì đập tiếp theo sẽ dễ dàng, đó sẽ trở thành việc đương nhiên”. Vì vậy, ông cho rằng các tổ chức phi chính phủ cần có sức ép với dự án xây dựng đập, buộc chủ đầu tư phải đưa thêm tiền vào dự án để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Các tổ chức xã hội, giới ngoại giao các quốc gia tập hợp sức mạnh của mình để ép chủ đầu tư chậm lại, có giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.

Phải có cơ chế ràng buộc

Tại hội thảo, vấn đề làm thế nào để các tổ chức đã được hình thành của khu vực sông Mekong đi vào thực tế hơn hình thức cũng được “mổ xẻ”.

TS Đào Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, cho rằng không thể quản lý nguồn tài nguyên nước sông Mekong hiệu quả nếu không có tập thể các nước liên quan.

GS.TS khoa học Nguyễn Ngọc Trân cho rằng đã đến lúc 6 quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) trong lưu vực sông Mekong phải có một cơ chế xây dựng nguồn nước, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác để cùng phát triển.

Ông Trân dẫn chứng Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất tại Tam Á (Trung Quốc) liên quan sử dụng nguồn nước sông Mekong vào cuối tháng 3 là bước đi đầu tiên, cần được thể hiện tiếp theo bằng những hành động, dự án cụ thể, chân thực đúng với tinh thần này.

Theo ông Trân, việc này trước nhất xuất phát từ thiện chí muốn phát triển bền vững của 6 nước, nhưng thiện chí không thôi thì chưa đủ mà phải có cơ chế ràng buộc.

Đó có thể là một định ước, một quy ước mang tính chất ràng buộc với các nước trong khu vực, chứ không phải cái gì có lợi thì Trung Quốc tới dự, cái gì liên quan tới trách nhiệm thì không tới dự.

Ngân hàng Thế giới tài trợ 600 triệu USD

Ông Iain Menzies, chuyên gia cao cấp khu vực nước và hệ thống vệ sinh của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết đã tài trợ khoảng 600 triệu USD cho các dự án thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL.

Cụ thể, WB vừa phê duyệt tài trợ cho TP Cần Thơ dự án phục hồi và phát triển đô thị Cần Thơ trị giá 250 triệu USD. Dự án này bao gồm cả các nội dung giảm thiểu nguy cơ lũ lụt tại trung tâm TP Cần Thơ và nâng cao năng lực chính quyền các cấp trong quản lý rủi ro thiên tai.

WB cũng đang hỗ trợ TP Cần Thơ xây dựng trung tâm phối hợp quản lý các hoạt động về cải thiện điều kiện vệ sinh và quản lý lũ lụt. Bên cạnh đó, WB dự định cung cấp một khoản vay ưu đãi trị giá 300 triệu USD vào giữa năm 2016 cho dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL.

Đồng thời WB còn tài trợ tiếp chương trình quản lý tài nguyên nước tổng hợp trị giá 66 triệu USD, bao gồm 25 triệu USD cho Việt Nam, 18 triệu USD cho Lào, 15 triệu USD cho Campuchia và 8 triệu USD cho Ủy hội sông Mekong.